Tạo cơ chế cho thị trường bất động sản bền vững
Thị trường bất động sản năm 2017 chứng kiến sự khởi sắc đáng kể hầu hết ở các lĩnh vực, phân khúc, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng và phân khúc chung cư trung cấp. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng để thị trường tiếp tục phát triển bền vững, vấn đề cơ chế chính sách và bảo đảm tính pháp lý cho lĩnh vực bất động sản là cần thiết.
Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản (HHBĐS) Việt Nam, thị trường bất động sản năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các chỉ số về giá cả, số lượng giao dịch.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng lượng giao dịch tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ước đạt 15.300 giao dịch, trong đó Hà Nội là 5.959 và TP. Hồ Chí Minh là 9.336.
Bùng nổ doanh nghiệp bất động sản
Quý 4/2017, giao dịch bất động sản cao cấp đã có sự sôi động hơn so với các quý đầu năm. Các dự án tốt của những chủ đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group, Việt Hưng, Phát Đạt… đều có giao dịch cải thiện so với đầu năm.
Lượng giao dịch tăng khá so với cùng kỳ, trong đó phân khúc trung và cao cấp có lượng giao dịch tốt nhất. Số lượng giao dịch thành công ước đạt 68.000 căn, với tỷ lệ hấp thụ thị trường trung bình đạt khoảng 79%.
Điểm đáng chú ý của thị trường bất động sản năm 2017 là sự bùng nổ các doanh nghiệp thành lập mới. Trong 11 tháng năm 2017, có 4.500 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập mới, tăng 60% về số doanh nghiệp và số vốn, tăng 18,6% về lao động; 155.300 doanh nghiệp xây dựng thành lập mới, tăng 9% về số doanh nghiệp và 28% về vốn.
Về quy mô vốn cũng tăng mạnh, từ mức khoảng 20 tỷ đồng/doanh nghiệp trước đây, lên đến 68 tỷ đồng/doanh nghiệp trong năm 2017. Mức độ minh bạch thông tin trong ngành bất động sản cũng được chú trọng hơn với số doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng từ 11 doanh nghiệp lên đến gần 60 doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 9/2017, doanh nghiệp bất động sản niêm yết có doanh thu tăng 40%, lợi nhuận tăng 6%.
Dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản vẫn rất ấn tượng. Dư nợ cho vay đầu tư vào kinh doanh bất động sản đến 31/10/2017 khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ, tăng khoảng 5% so với đầu năm. Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ.
Trước những số liệu khả quan trên, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch HHBĐS Việt Nam, vẫn cảnh báo rằng thị trường bất động sản còn tiềm ẩn một số rủi ro cần được kiểm soát.
Đó là khả năng mất cân đối cung – cầu nguồn cung phân khúc cao cấp và nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội; Nhiều dự án nhà ở xã hội phải tạm dừng khi nguồn vốn còn hạn hẹp; Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng (condotel) và phân khúc căn hộ văn phòng (officetel) dự báo sẽ tiếp tục phát triển nhưng còn gặp khó khăn về cơ chế chính sách…
Đặc biệt, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng vẫn còn nhiễu loạn về thông tin về quy hoạch, bài học năm 2017 tình trạng sốt ảo đất nền đã xảy ra tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hay khu vực Đông Anh (Hà Nội).
“Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 sẽ giúp làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý tài sản bảo đảm mà phần lớn là bất động sản, tạo nguồn lực cho nền kinh tế cũng như giúp tái khởi động lại nhiều dự án bất động sản”, ông Chiến nói.
Ở góc độ pháp lý, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, thời gian tới, HHBĐS Việt Nam cần nâng cao vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, nắm chắc sự thay đổi của pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản, ủng hộ việc hỗ trợ thông tin của doanh nghiệp trong cung cấp, thẩm định số liệu thị trường.
Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường_bất động sản – Bộ Xây dựng, cho biết, ở góc độ pháp lý, hiện Bộ Xây dựng đã có Tờ trình gửi Chính phủ về đề xuất sửa đổi nhiều luật như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở; Luật Xây dựng… dự kiến ban hành vào tháng 10/2018.
Theo đó, đối với Luật Kinh doanh bất động sản, dự kiến nội dung cần sửa bỏ quy định “các cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp, vốn pháp định 20 tỷ đồng”, bởi hiện nay Luật Đầu tư không có quy định vốn pháp định, nên việc sửa đổi này để đồng bộ với Luật Đầu tư.
Liên quan đến Luật Đất đai 2013, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có tờ trình Chính phủ đề nghị sửa đổi theo hướng “đất của căn hộ du lịch (condotel, resort) đề xuất vẫn giữ nguyên theo quy định Luật đất đai, xác định đất thương mại dịch vụ, thời hạn sử dụng 50 – 70 năm.
Đối với officetel, đất có chức năng để ở thì được xác định là đất ở, thời hạn 50 – 70 năm, người sử dụng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức ổn định lâu dài”, ông Hưng chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam kiến nghị cần coi condotel là sản phẩm chính thống được mua bán. Đồng thời cho biết sắp tới, HHBĐS Việt Nam sẽ đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch thống nhất khái niệm, khẳng định bản chất căn hộ du lịch, biệt thự du lịch chính là condotel và biệt thự nghỉ dưỡng trong các resort; kiến nghị condotel được cấp đất sử dụng lâu dài.