Tạo động lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội
Chiều ngày 27/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trình bày Tờ trình dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra
Trình bày Tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, từ năm 1965 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 04 Nghị quyết riêng về Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/12/2000 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010 (Nghị quyết số 15) và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 (Nghị quyết số 11), Quốc hội ban hành Luật Thủ đô, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, Thành phố Hà Nội còn một số vấn đề trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội cần được giải quyết có hiệu quả như công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; một số chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ quan đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường; ùn tắc giao thông; ngập úng; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh cần thiết phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2004/NĐ - CP phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Thủ đô.
Tạo động lực thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, việc xây dựng Nghị định là nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước; đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước, tạo động lực phát triển các nguồn lực, phân bổ ngân sách tập trung, hợp lý phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội, khắc phục những tồn tại của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP.
Theo đó, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội gồm 3 Điều. Cụ thể:
Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Trong đó, Khoản 1 quy định sửa đổi, bổ sung Điều 4 ; Khoản 2 quy định sửa đổi khoản 4 Điều 5 ; Khoản 3 quy định bổ sung khoản 5 Điều 5 ; Khoản 4 quy định sửa đổi, bổ sung tiêu đề Điều 6 và bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 6.
Điều 2 quy định về điều khoản thi hành. Theo đó, cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2020 đến hết năm ngân sách 2022. Riêng cơ chế tài chính ngân sách đặc thù quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2020.
Điều 3 về trách nhiệm thi hành. Cụ thể, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị định đảm bảo thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô trong tình hình mới, đặc biệt là Kết luận số 22-KL/TW, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để cùng các công cụ khác về kinh tế - xã hội góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô; bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và tính hệ thống của pháp luật, phù hợp với Kết luận số 22-KL/TW, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 và Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Một số quy định cụ thể trong cơ chế, chính sách đặc thù có thể khác hoặc chưa được quy định trong các đạo luật hiện hành, là những quy định bổ sung để phù hợp với vị trí vai trò quan trọng và quy mô của Thủ đô.
Đồng thời, kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền TP. Hà Nội, đồng thời bảo đảm quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp ở Thành phố. Thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch để thực hiện việc giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô Hà Nội phải đặt trong mối quan hệ Thành phố vì cả nước và cả nước vì Thành phố phát triển, ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng tiềm năng, lợi thế và khả năng chủ động của Thủ đô cùng với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Trung ương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
Trên cơ sở nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, Chính phủ kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để Chính phủ hoàn chỉnh trước khi ban hành theo thẩm quyền.
Sau khi nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về dự thảo Nghị định này.