Tỉnh Đắk Nông:

Thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

PV (T/h)

UBND tỉnh Đắk Nông vừa ra quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Nông quyết tâm giải ngân hết vốn đầu tư công trong năm 2021. Ảnh: Minh Minh
Tỉnh Đắk Nông quyết tâm giải ngân hết vốn đầu tư công trong năm 2021. Ảnh: Minh Minh

Tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc từng đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình và xử lý các vướng mắc phát sinh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc vượt thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện các dự án; rút ngắn thời gian nghiệm thu, thanh toán, đẩy nhanh tiến độ giải ngân của các dự án.

Tổ cũng có nhiệm vụ lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn; phân công thành viên, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án. Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hướng dẫn các chủ đầu tư trong quá trình quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; phát hiện kịp thời những sai sót, chấn chỉnh tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công trình, hiệu quả dự án. Đề xuất xử lý nghiêm các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…

Trong năm 2021, nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước tại Đắk Nông là 2.086 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực đầu tư phát triển được chi trực tiếp là 1.943 tỷ đồng. Kết quả thực hiện giải ngân đến hết ngày 25/8 là hơn 831 tỷ đồng, đạt 39,3%. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công giao năm 2021 giải ngân được 752 tỷ đồng, đối với vốn kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2021 là trên 78 tỷ đồng.

Có 18 dự án khởi công mới đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục để triển khai thi công. Toàn tỉnh có 24 dự án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến nhiều dự án còn vướng mắc, chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.