Bộ Tài chính:
Tháo gỡ từ cơ chế, chính sách cho cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước từ doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và dự thảo Nghị định về cổ phần hóa (CPH) đơn vị sự nghiệp để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc thúc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Tháo gỡ từ cơ chế, chính sách
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, nhiều quy định mới về CPH, thoái vốn được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, với quy trình thực hiện dài hơn khiến các doanh nghiệp (DN) phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn phải mất thêm thời gian.
Theo phản ánh của các bộ, ngành, địa phương, vướng mắc lớn nhất là khâu rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất (SDĐ) của DN. Quá trình này trải qua nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử, pháp lý đất đai phức tạp, khi cần lấy ý kiến các cơ quan thì hồ sơ giải quyết chậm. Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có nội dung chưa cụ thể dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây lúng túng khi triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung về xác định lợi thế giá trị quyền SDĐ đối với đất thuê trả tiền hàng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP chưa được hướng dẫn cụ thể khiến cho việc xác định giá khởi điểm của DN khó khăn, ách tắc.
Nhiều điểm mới được đề xuất
Bộ Tài chính cho biết, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan, DN, ngân hàng thương mại liên quan, để hoàn thiện hồ sơ, tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung bảo đảm tổng thể, toàn diện, tạo cơ sở pháp lý để xử lý, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính DNNN, CPH, thoái vốn nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước và CPH doanh nghiệp Nhà nước theo đúng quy định tại Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội.
Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành hồ sơ cả 02 dự thảo nghị định theo chỉ đạo của Chính phủ, gồm nghị định sửa 3 nghị định và nghị định sửa 1 điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, hoàn thiện trình Chính phủ. Cụ thể, các Nghị định sửa đổi bao gồm:
Một là, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Theo Bộ Tài chính, việc xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống vào giá trị DN CPH gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do không đủ hồ sơ tài liệu để xác định, không thuyết minh được căn cứ xác định giá trị lịch sử, bề dày truyền thống; đồng thời các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các bộ phận tham mưu không có chuyên môn để xác định giá trị này.
Với cách xác định giá trị thương hiệu chủ yếu mang tính chất chủ quan, dự thảo Nghị định đã bãi bỏ nội dung quy định về xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có) vào giá trị DN CPH. Thay vào đó, cần thiết phải có một cơ chế xác định giá mang tính chất giá thị trường nhằm xác định giá trị hợp lý của thương hiệu.
Các vấn đề liên quan đến đất đai cũng được sửa đổi bổ sung trong dự thảo. Bên cạnh việc điều chỉnh khấu trừ giá trị lợi thế từ vị trí địa lý đất thuê, dự thảo cũng điều chỉnh quy định về phương án sử dụng đất sau CPH.
Các điều chỉnh nhằm tách bạch rõ ràng giữa phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật và về quản lý, sử dụng tài sản công (Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP) và phương án sử dụng đất sau CPH của DN CPH.
Dự thảo cũng sửa đổi bổ sung khoản 4 Điều 30, theo đó DN sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN cổ phần lần đầu, bên cạnh việc thực hiện các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (như quy định cũ) thì DN cần thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hai là, đối với Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, Bộ Tài chính cũng đề xuất phương án tách riêng nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP) thành Nghị định riêng để trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)…
Ba là, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN.
Đối với vấn đề xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại CTCP đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, các thuật ngữ như giá khởi điểm, giá tham chiếu và giá thực trả (đối với nhà đầu tư) sẽ được sửa đổi.
Mức giá khởi điểm do cơ quan đại diện chủ sở hữu/DNNN quyết định công bố tại ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn để làm cơ sở cho nhà đầu tư đăng ký khối lượng mua và nộp tiền đặt cọc không được thấp hơn các mức giá: giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá; giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn của mã chứng khoán đã giao dịch của công ty cổ phần niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán; giá tham chiếu của mã chứng khoán của công ty cổ phần đang giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn 01 ngày.
Trước đây, trong trường hợp giá thanh toán được xác định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận) mà thấp hơn giá sàn thì nhà đầu tư vẫn phải thanh toán theo giá sàn của ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn. Với dự thảo Nghị định mới, vấn đề này đã được sửa đổi khi nhà đầu tư được quyền từ chối không tham gia đấu giá và nhận lại tiền đặt cọc. Nhìn chung, quy định mới đã đảm bảo hơn lợi ích của nhà đầu tư
Về vấn đề đầu tư bổ sung vốn cho các NHTMCP. triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 3178/VPCP-KTTH ngày 31/10/2019, trên cơ sở xác định các ngân hàng thương mại nhà nước giữ cổ phần chi phối khi tăng vốn điều lệ theo quy định cần được xem xét đầu tư bổ sung vốn để đảm bảo an ninh tiền tệ, dự thảo Nghị định này (khoản 9 Điều 2) bổ sung nội dung ngành, lĩnh vực DN được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước theo hướng NHTMCP giữ cổ phần chi phối.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu DN cần tăng cường công tác chấp hành kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; CPH, thoái vốn tại DN phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho nhà nước.