Thẻ ATM đút túi mà vẫn bị rút trộm tiền: Làm sao để tránh?
Hiện có nhiều vụ người dùng thẻ ATM dù vẫn đang để thẻ trong túi, trong tủ,.. nhưng vẫn bị đối tượng khác rút mất tiền. Vậy làm sao để tránh được tình trạng này? Thẻ ATM trong túi vẫn bị rút trộm tiền?
Tin tức trên báo Tuổi trẻ, anh Nguyễn Tấn Thạnh, chủ thẻ ATM của Ngân hàng Đông Á, vừa khiếu nại ngân hàng vì bị rút trộm 29 triệu đồng vào ngày 29/10 trong khi anh vẫn đang giữ thẻ trong bóp.
Anh Nguyễn Tấn Thạnh (công nhân Công ty Pou Yuen) cho biết, gia đình gửi tiền vào tài khoản để trang trải chi phí điều trị cho ba anh ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và anh đã rút 10 triệu đồng. Lúc 19h50 ngày 29/10, sau khi tắm xong mở điện thoại ra, anh Thạnh thấy hàng loạt tin nhắn thông báo trừ tiền của Ngân hàng.
“Chỉ trong vòng từ 19h44 đến 19h49 đã có đến 10 giao dịch rút tiền, mỗi lần rút 2 triệu đồng. Tôi vội mở bóp để kiểm tra thì thẻ ATM vẫn còn. Ngay sau đó, tôi đã gọi điện báo cho tổng đài Ngân hàng Đông Á yêu cầu khóa thẻ, đồng thời làm đơn yêu cầu Ngân hàng in chi tiết sao kê, kiểm tra lại thông tin và cho tôi xem camera ghi lại hình ảnh rút tiền từ tài khoản”, anh Thạnh cho biết.
Ngoài ra, anh Thạnh cũng làm đơn trình báo công an, trong đó khẳng định thời điểm bị rút trộm tiền anh đang có mặt tại nhà (ấp Hưng Long, huyện Bình Chánh) và không cho ai mượn hay đánh rơi thẻ. “Việc bị mất tiền trong tài khoản làm cho hoàn cảnh của tôi càng khó khăn hơn vì không biết lấy tiền đâu để điều trị cho ba tôi. Mong cơ quan công an xem xét, điều tra để làm rõ nguyên nhân”, anh Thạnh viết trong đơn.
Tại buổi làm việc với anh Thạnh, bà Võ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc trung tâm quản lý chất lượng và dịch vụ khách hàng Ngân hàng Đông Á, cho biết căn cứ dữ liệu Ngân hàng thu thập được cho thấy nhiều khả năng là giao dịch gian lận. Cụ thể, người rút tiền đã cố tình che camera từ trước nên hình ảnh ghi nhận bị tối, không thể thấy mặt.
Trong khi đó, anh Thạnh đã không báo ngay khi giao dịch đầu tiên phát sinh mà sau khi 10 giao dịch xảy ra mới thông báo cho Ngân hàng, với lý do là đang tắm nhưng không ai có thể kiểm chứng. Đặc biệt, anh Thạnh thừa nhận anh ruột của mình cũng biết mật mã thẻ. “Chính vì vậy, Ngân hàng phải chuyển sự việc qua cơ quan điều tra”, bà Hằng nói.
Tuy nhiên, do anh Thạnh trình bày rằng cần tiền để trang trải chi phí điều trị nên Ngân hàng đã tạm ứng bồi hoàn toàn bộ số tiền nhưng anh Thạnh phải ký cam kết rằng nếu kết quả điều tra của cơ quan công an chứng minh các giao dịch này phát sinh từ chính tấm thẻ của anh Thạnh (không cần biết người rút là ai) thì đồng nghĩa khách hàng quản lý thẻ không tốt, Ngân hàng sẽ thu hồi số tiền tạm ứng bồi hoàn và các chi phí phát sinh trong quá trình điều tra. Ngược lại, nếu vì lý do gì khác, Ngân hàng sẽ chuyển sang bồi hoàn chính thức và chịu mọi chi phí liên quan đến quá trình điều tra.
Nhiều trường hợp chủ thẻ không quản lý thẻ kỹ để người khác lợi dụng dùng thẻ rút tiền xong trả vào chỗ cũ mà vẫn không hay. |
Làm thế nào để không xảy ra tình trạng "thẻ giữ khư khư vẫn mất tiền"?
Phải bí mật thông tin thẻ
Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng nếu nhật ký ATM có lưu tên trên thẻ, nhiều khả năng thẻ dùng để rút tiền là thẻ thật vì thường thẻ giả chỉ có dãy số chứ không có tên chủ thẻ. Theo ông Thoại, nhiều trường hợp chủ thẻ không quản lý thẻ kỹ để người khác lợi dụng dùng thẻ rút tiền xong trả vào chỗ cũ mà vẫn không hay.
Chẳng hạn, nhiều công nhân hay giao thẻ và mật mã nhờ người khác rút tiền, thậm chí còn đọc to mật mã giữa đông người. Một số trường hợp còn thế chấp thẻ và giao mật khẩu để mượn tiền, khi đến kỳ lãnh lương thì người cho vay sẽ đem thẻ đi rút tiền. “Thẻ cũng là tiền nên chủ thẻ phải cẩn thận, lúc nào cũng phải giữ bên người, không đưa thẻ hay tiết lộ mật mã cho người khác, không đặt mật mã bằng các thông tin dễ nhớ...”, ông Thoại nói.
Rút tiền nhớ nhìn xung quanh xem có máy quay lén không
“Cần cẩn thận khi sử dụng máy ATM có dấu hiệu đáng nghi như nhận thẻ khó khăn, không có đồ che bàn phím. Đặc biệt, người sử dụng không nên chủ quan đặt những mật khẩu quá dễ, hoặc đặt mật khẩu là những thông tin có sẵn trong bóp như ngày tháng năm sinh, số CMND, biển số xe..., đề phòng trường hợp mất bóp, kẻ gian nhặt được có thể lợi dụng”, ông Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VN - VNCERT)khuyến cáo trên báo Tuổi trẻ.
Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Đức cho rằng khi rút tiền người sử dụng thẻ nên để ý xem máy ATM có bị gắn thiết bị lạ như đầu đọc cắm bên ngoài khe đọc thẻ hay không. Khi nhét thẻ vào thì đầu đọc ấy sẽ đọc được hết thông tin trên thẻ của mình và từ thông tin ấy kẻ gian có thể làm thẻ giả.
“Thẻ từ ATM hiện nay có một nhược điểm là nếu sử dụng thiết bị kẻ gian có thể làm được thẻ giả có nội dung giống hệt. Các nước hiện nay đang sử dụng công nghệ mới là thẻ chip, tức là mỗi thẻ được gắn một con chip xử lý trên đó. Kẻ gian rất khó để sao chép thông tin trên các thẻ chip này”, ông Đức cho biết.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Minh Đức, chúng ta cũng nên tạo thói quen mỗi khi nhập mã PIN vào máy ATM thì nên dùng tay che bàn tay nhập mã lại tránh trường hợp kẻ gian gắn trộm camera gần đấy để lấy mật khẩu.
Theo ông Trần Quang Chiến, các hệ thống ATM bản chất cũng là các hệ điều hành nên vẫn có thể tồn tại lỗ hổng mà hacker có thể khai thác được.
“Khi được báo có giao dịch lạ hoặc bị thay đổi các thông tin về tài khoản của mình thì trước tiên người sử dụng nên báo ngay với ngân hàng dù chỉ là những thay đổi rất nhỏ. Sau đó nên kiểm tra ngay lại tài khoản xem đã bị thay đổi những gì và thay đổi mật khẩu”, ông Chiến đưa ra lời khuyên.
Ông Võ Đỗ Thắng cho biết, nhiều nước đã sử dụng chế độ mật khẩu chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định để tăng cường tính bảo mật cho thẻ ATM của khách hàng. Tuy nhiên, công nghệ này chưa được sử dụng rộng rãi tại VN, đa số mọi người vẫn dùng mật khẩu cố định theo thời gian.
Theo ông Trần Quang Chiến, một số Ngân hàng lớn trên thế giới hiện nay cũng đang triển khai các biện pháp bảo mật về sinh trắc học, bằng ánh mắt hoặc bằng dấu vân tay để tăng thêm tính bảo mật cho các máy ATM.
“Hiện nay các công nghệ này chưa triển khai được ngay ở VN. Người dùng VN nên tập trung vào việc tự bảo vệ mình và tài khoản của mình trước vì những công nghệ trên là của tương lai”, ông Chiến cho biết.
|
Người sử dụng không nên chủ quan đặt những mật khẩu quá dễ, hoặc đặt mật khẩu là những thông tin có sẵn trong bóp như ngày tháng năm sinh, số CMND, biển số xe... (Ảnh minh họa). |
Không nhờ người lạ rút tiền hộ
Nghe có vẻ buồn cười và khó mà xảy ra, nhưng ở Vũng Tàu đã có trường hợp một người phụ nữ do không biết theo tác với máy ATM nên đã nhờ 1 người lạ rút hộ. Người này đã nhanh tay chuyển 15 triệu vào tài khoản riêng và trả lại thẻ cho người phụ nữ kia và nói đứng chờ một chút tiền sẽ ra.
Vậy nên, trong trường hợp không biết dùng máy ATM, mọi người có thể xem số điện thoại đường dây nóng của ngân hàng ở mặt sau của thẻ ATM để được hỗ trợ hoặc đơn giản hơn là cầm CMND vào ngân hàng rút tiền.
Kiểm đếm tiền, lấy hóa đơn ngay sau giao dịch
Tránh trường hợp máy trả thiếu tiền, máy nuốt tiền. Dù rút nhiều hay ít, vẫn nên chọn in biên lai/in hóa đơn vì đây là tờ đơn đảm bảo cho việc giao dịch. Nếu có lỗi xảy ra hoặc sai sót, bạn chỉ việc cầm tờ đơn đến ngân hàng phát hành thẻ, để họ tiến hành tra cứu.
Luôn nhận thẻ trước rồi cất vào ví cho chắc ăn
Phòng trường hợp mất thẻ, bạn nên lấy thẻ trước khi lấy tiền. Hiện nay đa số các cây ATM đều nhả thẻ trước, kế đến mới nhả tiền.
Khi đi rút tiền, nếu chờ lâu mà máy ATM chưa nhả tiền, nhả thẻ
Bạn nên kiên nhẫn chờ thông báo kết quả trên màn hình ATM và chỉ rời khỏi máy ATM khi biết tình trạng giao dịch và màn hình ATM trở lại trạng thái bình thường.
Nên đăng kí SMS Banking
SMS Banking được coi là công cụ cảnh báo hữu hiệu cho các giao dịch của khách hàng. Đăng ký dịch vụ này tại ngân hàng phát hành, khách hàng sẽ nhận được các tin nhắn thông báo giao dịch phát sinh từ tài khoản của mình. Qua đó khách hàng có thể đảm bảo giao dịch thành công; Phát hiện ngay những giao dịch bất thường: sai lệch số tiền, giao dịch không do mình thực hiện,...