Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai: Không dễ kỳ vọng
(Tài chính) Theo quy định, từ ngày 16/6 tới đây, các tổ chức, cá nhân mua nhà tại những dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội sẽ được thế chấp bằng chính ngôi nhà được hình thành trong tương lai để vay vốn từ ngân hàng. Quy định này đang mở ra cho nhiều người dân hy vọng sẽ được sở hữu nhà mà không lo điều kiện ràng buộc về tài sản thực tế. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn.
Hé mở nhiều hy vọng
Theo Thông tư liên tịch được Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng ký ban hành mới đây, từ ngày 16/6 tới, người dân có thể dùng tài sản là nhà ở thương mại và nhà ở xã hội hình thành trong tương lai để vay vốn bao gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội, tức là căn hộ chung cư được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, hoặc nhà ở riêng lẻ (bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề) được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Thông tin này đang mở ra nhiều kỳ vọng không chỉ đối với những người chưa có nhà ở, mà còn tạo điều kiện để hâm nóng thị trường bất động sản vốn vẫn còn khá trầm lắng.
Anh Hoàng Minh Quân (ở phố Đội Cấn, Hà Nội) cho biết, hiện vợ chồng anh cùng hai đứa con vẫn đang phải ở chung nhà với ông bà, nhà chật chội nên đối với anh, được sở hữu một căn hộ riêng là ước mơ lâu nay. Tuy nhiên, với thu nhập hiện nay của hai vợ chồng, ước mơ này là rất khó, trong khi đi vay ngân hàng, yêu cầu về tài sản thế chấp khó có thể đáp ứng được. Bởi vậy, với quy định mới, được vay đến 70% tổng giá trị của căn nhà, cơ hội được sở hữu nhà với anh đang đến rất gần”.
Không chỉ là niềm vui đối với người tiêu dùng, theo các chuyên gia ngành xây dựng, việc tổ chức cá nhân được sử dụng nhà ở hình thành trong tương lai để thế chấp vay vốn của ngân hàng sẽ giúp cải thiện được đầu ra của hệ thống ngân hàng, bên cạnh đó cũng là chiếc phao giúp cho các chủ đầu tư còn khó khăn về vốn hiện nay dễ dàng tiếp cận vốn vay để triển khai các dự án hơn. Rõ ràng, những ưu việt nói trên sẽ mở ra nhiều hy vọng đối với thị trường bất động sản, được coi là cú hích để đẩy thanh khoản của thị trường tăng lên.
Song, vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay chính là: Liệu rằng các ngân hàng có sẵn sàng nhập cuộc hay không?
Ngân hàng e ngại
Trả lời băn khoăn này, đại diện của một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, nhìn bao quát toàn bộ vấn đề được đề cập trong quy định nói trên, có thể thấy, phía ngân hàng là đối tượng sẽ chịu nhiều rủi ro nhất. Trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay: Hàng loạt dự án chậm tiến độ do chủ đầu tư thiếu vốn, thiếu năng lực, đó còn chưa kể những sự vụ các dự án nhà trên giấy được vẽ lên để lừa khách hàng… những bất cập đó thực sự là những rào cản để các ngân hàng có thể đặt niềm tin vào các dự án ở "thì tương lai”.
Không ít ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn rằng, nếu như không có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm của từng đối tượng cụ thể bên trong (chủ đầu tư và khách hàng) thì các ngân hàng chắc chắn sẽ không mặn mà với các dự án ở dạng này.
Bởi vậy, cho dù quy định nói trên của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đang mở ra nhiều kỳ vọng có nhà cho người dân, song vẫn còn đó những băn khoăn về tính khả thi. Đặc biệt để các ngân hàng sẵn sàng đặt niềm tin vào những dự án của "thời tương lai” không phải là điều dễ dàng khi mà thị trường vẫn còn tồn tại những bất cập đã từng xảy ra trong thời gian qua. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Thông tư này có khả thi hay không còn phụ thuộc vào việc các cơ quan chức năng quy định mức độ pháp lý chặt chẽ tới đâu để các ngân hàng, tổ chức tín dụng có thể yên tâm cho vay vốn.
Tất nhiên, do đây là tài sản được hình thành trong tương lai nên không thể tránh khỏi rủi ro, song theo chuyên gia ngành địa ốc Nguyễn Văn Đực, hầu như xác suất rủi ro là không đáng kể. Đơn giản, người dân đã phải bỏ ra 30-40% chi phí vào căn nhà. "Ngân hàng cho vay cũng phụ thuộc tiến độ công trình và hoàn toàn có thể dừng lại khi có vấn đề xảy ra, không sợ công trình đóng băng hay người dân bỏ ngang”- ông Đực nói.