Triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP:
Đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế
Trong năm 2017 và định hướng đến năm 2020, với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành Thuế sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế nhằm thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.
Hướng đến mục tiêu mới
Thời gian qua, ngành Thuế cơ bản đã hoàn thành được mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đó, kết quả xếp hạng Chỉ số Nộp thuế chung của Việt Nam theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 tăng 11 bậc so với năm ngoái. Đồng thời, những cải cách của cơ quan thuế thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp (DN) ghi nhận, thể hiện ở kết quả chung đánh giá sự hài lòng của DN năm 2014 là 71% và năm 2016 là 75% DN hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế.
Trong năm 2017 và định hướng đến năm 2020, ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; Giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Với những giải pháp đồng bộ đó, đến hết năm 2017, ngành Thuế quyết tâm đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra như:
Một là, đạt trung bình nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế gồm 03 nhóm chỉ tiêu: Hoàn thuế; Quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; Thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.
Hai là, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm, (thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế không quá 119 giờ); Cải thiện vị trí xếp hạng về thuế và bảo hiểm xã hội theo đánh giá của Ngân hàng thế giới từ thứ hạng 167 phấn đấu đứng thứ hạng dưới 100.
Ba là, công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra theo quy định và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật.
Bốn là, cụ thể hóa chủ trương định hướng quản lý thuế theo mức độ rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, xác định tính hợp lệ của giao dịch kinh tế dựa trên cơ sở giao dịch tiền hàng.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho DN và người dân.
Sáu là, tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cấp mã số thuế tự động cho DN.
Bảy là, phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý liên quan đến người dân, DN được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Mục tiêu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm.
Tiếp tục sửa đổi chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho DN
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Tổng cục Thuế sẽ tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Quản lý thuế, nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định Luật Quản lý thuế đảm bảo thống nhất, đồng bộ với mục tiêu: Đổi mới cơ chế quản lý thuế theo hướng hiện đại; Ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu quản lý thuế; Quản lý thuế dựa trên quản lý rủi ro; Đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời vào NSNN; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thuế, giảm nợ thuế; Xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế để phục vụ quản lý thuế; Nâng cao chất lượng tuyên truyền hỗ trợ đối tượng nộp thuế...
Ngành Thuế cũng sẽ sửa đổi chế độ về in, phát hành, sử dụng hóa đơn để tạo thuận lợi cho DN, chống gian lận thuế. Cụ thể, quy định một số loại hình DN bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử; Quy định cơ quan thuế hỗ trợ DNNVV thực hiện hóa đơn điện tử có có xác thực của cơ quan thuế; Rút ngắn thời gian đăng ký sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp từ 05 ngày xuống 01 ngày làm việc... Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng sẽ thực hiện có hiệu quả quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro.
Tái thiết kế quy trình nghiệp vụ
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, trong năm nay sẽ rà soát để sửa đổi bổ sung các nội dung liên quan như cơ chế chính sách thuế, đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế, quyết toán thuế, mẫu tờ khai... quy định tại các văn bản như Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN để phục vụ cho tái thiết kế quy trình nghiệp vụ.
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu thuế; Đổi mới cơ chế thu và quản lý đối với DN nhỏ và hộ kinh doanh; Thu trước bạ, thuế liên quan đến nhà đất.
Ngành Thuế cũng sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Quy trình nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến người nộp thuế để đổi mới cơ chế quản lý thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, trong đó trọng tâm là cải cách hoàn thuế, thanh tra kiểm tra thuế, khiếu nại về thuế nhằm tăng điểm số DTF của chỉ số sau kê khai.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chính phủ điện tử
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chính phủ điện tử cũng là một trong những giải pháp trọng tâm mà ngành Thuế đưa ra để thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ.
Phấn đấu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin đạt 95% DN thực hiện hoàn thuế điện tử đạt cấp độ 4; Đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra theo đúng quy định. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để 100% hồ sơ khiếu nại khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định.