Thêm dư địa xử lý nợ, tái thiết doanh nghiệp
Vai trò của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trên thị trường mua bán nợ là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để pháy huy hơn nữa lợi thế này đang có cần tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp này khi thực hiện nhiệm vụ. Đó là nhận định của một số chuyên gia kinh tế về tình hình xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay…
Một doanh nghiệp khó khăn cũng giống như cơ thể bị ốm. Ốm nhẹ thì cho thuốc, ốm quá nặng thì ngoài thuốc điều trị còn cần thuốc bổ. Doanh nghiệp tái thiết cũng vậy, cần phải có một lượng vốn mồi, vốn mới để họ có điều kiện phát triển.
Viện dẫn điều trên, các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, DATC đã rất nỗ lực thực hiện xử lý nợ xấu, tái cơ cấu nhiều doanh nghiệp khó khăn, mang lại nhiều thành công, đưa nhiều doanh nghiệp bên bờ vực phá sản trở lại hoạt động, phát triển. Trong quá trình đó, DATC cũng đã gặp phải rất nhiều khó khăn do thiếu cơ chế hoạt động.
Để giúp doanh nghiệp tái thiết, DATC phải tìm các nhà đầu tư chiến lược cùng làm, tăng thêm tiềm lực tài chính. Cách làm trên hiệu quả nhưng không phải lúc nào cũng thành công nếu không tìm được nhà đầu tư.
Vấn đề đặt ra là những tổ chức như DATC nên được phép sử dụng những nguồn lực tự có để có thể hỗ trợ về mặt tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Mạnh Thường – Phó Tổng giám đốc DATC: DATC không thực thi chức năng cho vay như các ngân hàng. Chỉ hỗ trợ về mặt tài chính để doanh nghiệp có điều kiện hoạt động trở lại.
“Chúng ta có Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), những DN cần phải xử lý nợ xấu bao giờ thông tin cũng rất rõ ràng trên SCIC, vì vậy khi đi vay dù có dự án tốt đi nữa cũng rất khó vay.” – ông Phạm Mạnh Thường nhấn mạnh.
Để hoàn thiện thêm chức năng, nhiệm vụ cho DATC, cần sớm ban hành các quy định nhằm mở rộng phạm vi đối tượng hoạt động, bổ sung một số chức năng, nghiệp vụ trong việc mua, bán, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản.
Theo đó, cần sớm nâng cao địa vị pháp lý của DATC, bổ sung một số quy định mới để phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và đặc thù hoạt động của DATC.
Cụ thể như: mở rộng đối tượng mua, bán nợ; mức độ xử lý tài chính đối với các doanh nghiệp khách nợ; hỗ trợ vốn và bảo lãnh vay vốn với doanh nghiệp tái cơ cấu; các cơ chế chủ động trong xử lý nợ tại doanh nghiệp tái cơ cấu; chế độ trích lập dự phòng nợ mua, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các khoản vốn góp của DATC; phương thức thoái vốn phù hợp với đặc thù hoạt động…
Bên cạnh đó, sớm ban hành cơ chế hiện đang áp dụng đối với DN tương đồng về hoạt động kinh doanh mua bán, xử lý nợ đối với DATC. Điển hình như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong tham gia xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế, tham gia hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức và có sự quản lý của Nhà nước; cơ chế tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ.
Điều này sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của DATC, cũng như hiệu quả hoạt động mua bán xử lý nợ, thu hồi nợ của DATC trong quá trình phục hồi doanh nghiệp.
Những cơ chế, chính sách trên được ban hành sẽ góp phần giúp DATC làm tốt hơn nhiệm vụ hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong việc đánh giá lại thực trạng nợ và đàm phán với các chủ nợ để giải quyết những công nợ tồn đọng của các tập đoàn, tổng công ty. Qua đó, thúc đẩy quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước sớm đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra.