Thị trường chứng khoán bắt đầu "thẩm thấu" hiệu quả các chính sách từ tháng 4
Thị trường chứng khoán tiếp tục hình thành những cơ hội tốt trong tháng 4 cho nhà đầu tư dài hạn, khi các chính sách vĩ mô như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP và hạ lãi suất bắt đầu phát huy hiệu quả.
Thay đổi cục diện thị trường chứng khoán
Những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán trong nước thời gian qua có sự đóng góp lớn bởi các chính sách, giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, thị trường đón nhận những thông tin liên quan đến Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tạo khung pháp lý góp phần giải quyết áp lực và nghĩa vụ nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, đồng thời kéo ngành Chứng khoán lên theo.
Nghị quyết số 33/NQ-CP và dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN đưa ra một loạt các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra kế hoạch xây dựng hơn 1 triệu nhà ở xã hội với mức lãi suất 8.2% cho người vay mua nhà.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao động thái hỗ trợ, nhận định đây là những bước đi cực kỳ linh hoạt từ phía Chính phủ mặc dù số liệu vĩ mô đưa ra trong quý I cho thấy thách thức vẫn còn ở phía trước.
Bên cạnh đó, phải kể đến những thông tin tích cực từ dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài với nhiều phiên mua ròng liên tiếp. Quỹ ETF Fubon Việt Nam được chấp thuận nâng hạn mức lần 5 từ Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính Đài Loan với mức huy động tối đa thêm khoảng hơn 2.900 tỷ đồng. Quỹ đã thực hiện mua ròng 1.528 tỷ đồng trong tháng 3.
Tiếp đó, thị trường tích cực đón nhận 2 lần hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào giữa và cuối tháng 3. Mức giảm không quá lớn - 0.5%, nhưng cho thấy một thông điệp mạnh mẽ về việc giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Những thông tin tích cực đã mang đến thị trường chứng khoán tháng 3 một nền tảng khá vững chắc khi vượt qua biến động của tháng 2, tăng lại 3,9% và kết thúc quý I/2023 với tăng trưởng 5,7% trên chỉ số VN-Index.
Theo Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, các động thái hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua là hết sức nhanh nhạy, nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, các giải pháp nghiêng nhiều về cung cấp những điều kiện pháp lý thuận lợi và rõ ràng hơn, giúp ổn định tâm lý trên thị trường.
Trên thực tế, thông tin thường tác động ngay lập tức đến tâm lý nhà đầu tư và phản ánh luôn vào thị trường trong ngắn hạn một vài phiên. Tuy nhiên, bất kỳ chính sách hay giải pháp vĩ mô nào cũng có độ trễ nhất định.
Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn cần có thời gian nhất định để thẩm thấu kết quả của các chính sách này mang lại, ít nhất cũng phải bắt đầu tư tháng 4 và phải sang quý III mới có sự phục hồi rõ nét.
Hiệu quả chính sách đưa đà tăng trưởng quay trở lại
Tháng 4 cũng là thời điểm các doanh nghiệp công bố báo cáo Kết quả kinh doanh quý I. SSI Research ước tính, các công ty niêm yết sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn ở mức 5.8% trong năm 2023.
P/E 2023 của thị trường đang khoảng 10.5x là mức khá hấp dẫn. Tuy nhiên, lợi nhuận của một số doanh nghiệp có thể vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm so với cùng kỳ. Đây sẽ là yếu tố khiến VN-Index chưa có những bứt phá mạnh ngay trong ngắn hạn.
Những thách thức với thị trường trong tháng 4 này sẽ tiếp tục hình thành cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn. Trong quá khứ, nếu chúng ta lấy giai đoạn đỉnh lãi suất của Việt Nam trong năm 2011 để tham chiếu, thì vùng đáy của thị trường chứng khoán vẫn sẽ có một độ trễ nhất định.
Độ trễ này xuất hiện là bởi vì thị trường cần chờ xem những động thái hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ, ngành và mặt bằng lãi suất đã đủ để đưa nền kinh tế và doanh nghiệp hấp thụ được và quay lại với đà tăng trưởng chưa.
Các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn tiếp theo cho nền kinh tế tiếp theo của Chính phủ vẫn sẽ là động lực giúp thị trường diễn biến tích cực hơn kỳ vọng. Tốc độ gia tăng lạm phát, diễn biến lãi suất trong nước trước kỳ họp đầu tháng 5 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế và dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài sẽ là những yếu tố cần quan sát trong các tháng tới của quý II.
Dòng vốn khối ngoại vốn là động lực chính cho đợt tăng của thị trường chứng khoán từ tháng 11 đến nay đang cho thấy dấu hiệu chậm lại. Nhìn chung, SSI Reseach đánh giá thị trường trong tháng 4 không quá lạc quan nhưng cũng không quá tiêu cực. Thách thức với thị trường trong ngắn hạn lại tiếp tục hình thành cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng mới của chỉ số VN-Index sẽ chỉ được xác nhận nếu chỉ số vượt vùng cản 1.100 điểm - 1.105 điểm đi cùng với khối lượng tích cực.
SSI Research khuyến nghị nhà đầu tư tập trung các mã có động lực tăng trưởng từ năm 2023 và có yếu tố hỗ trợ giá trong ngắn hạn như: KBC, VRE, FPT, PVS và PVT.