“Thời điểm vàng” và niềm tin Việt Nam
(Tài chính) Vượt qua khuôn khổ của một đợt phát hành trái phiếu Chính phủ thông thường, Việt Nam đã chọn được “thời điểm vàng” để hoán đổi trái phiếu quốc tế, tận dụng được cả hai yếu tố thuận lợi chủ quan lẫn khách quan. Thắng lợi này thể hiện sự chủ động rất cao của Chính phủ và Bộ Tài chính và là bài học kinh nghiệm quý cho những lần phát hành tiếp theo.
Mỗi đợt phát hành trái phiếu quốc tế của bất cứ chính phủ nước nào, yếu tố đầu tiên để đánh giá thành công là lãi suất trái phiếu. Với mức lãi suất 4,8% cho trái phiếu Chính phủ (TPCP) Việt Nam kỳ hạn 10 năm, thấp hơn mức lãi suất của các quốc gia có cùng hệ số tín nhiệm và chỉ bằng khoảng 2/3 mức lãi suất của các lần phát hành trước, rõ ràng thành công của chúng ta không chỉ là huy động được nguồn vốn rẻ hơn mà còn “đo lường” được niềm tin của giới đầu tư toàn cầu.
Để có lãi suất huy động TPCP trên thị trường quốc tế rẻ hơn mức dự kiến, các nhà phát hành phải lựa chọn được thời điểm thích hợp đó là thuận lợi khách quan từ thị trường vốn quốc tế, cụ thể là mặt bằng lãi suất thấp, thanh khoản vốn trên các thị trường dồi dào. Đây chính là thời điểm thích hợp nói trên bởi nếu thực hiện việc phát hành trước đó không lâu, khi nền kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn hoặc sau đây một thời gian, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rút dần các gói nới lỏng định lượng, rất có thể Việt Nam đã không thể bán trái phiếu với lãi suất thấp đến thế.
Điểm sáng nổi bật của phiên đấu giá trái phiếu quốc tế lần này là mức lãi suất khá thấp. 1 tỷ USD TPCP Việt Nam, kỳ hạn 10 năm đã được bán với mức lãi suất cố định 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến ban đầu là 5,125%/năm.
Tuy nhiên, sự làm nên “thời điểm vàng” của đợt phát hành vừa qua không chỉ đến từ yếu tố bên ngoài mà đã được kết hợp nhịp nhàng và uyển chuyển với yếu tố nội tại bên trong - nhân tố thuận lợi chủ quan. Đó là kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát 10 tháng đầu năm 2014 chỉ 2,36%, tăng trưởng kinh tế đã khởi sắc hơn với quý III/2014 tăng 6,19%, cao hơn các quý trước. Đó là sự kiện cuối tháng 7/2011, lần đầu tiên kể từ năm 2005, Moody’s nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao và xếp hạng nhà phát hành của Việt Nam từ B2 lên B1 với triển vọng “ổn định”. Tiếp đó, ngày 3/11/2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, cụ thể, mức xếp hạng phát hành trái phiếu Chính phủ (IDR) bằng đồng nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam được nâng lên một bậc từ mức “B+” thành “BB-”, triển vọng dài hạn ở mức “ổn định”. Chính yếu tố thuận lợi đến từ trong nước ngay trước thời điểm phát hành đã thu hút sự chú ý của cộng đồng NĐT quốc tế, sự tham gia đặt mua của nhiều tổ chức đầu tư, giúp đợt phát hành trái phiếu thực sự thành công.
Thành công của đợt phát hành trái phiếu quốc tế năm 2014 là câu trả lời xác đáng nhất, thuyết phục nhất cho niềm tin Việt Nam. Rõ ràng giới đầu tư toàn cầu đã dành những đánh giá tích cực cho nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, hướng tới phát triển bền vững. Và ở đây, câu chuyện “niềm tin” đặt ra không chỉ với từng cá nhân, doanh nghiệp, mà ở cả tầm quốc gia đã được Bộ Tài chính xử lý tốt nhất trong thời điểm vừa qua.
Tin tưởng rằng, công tác điều hành kinh tế - tài chính cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sẽ tìm ra được thêm nhiều “thời điểm vàng”, nhằm tối đa hóa những thắng lợi.