Thống nhất mức thu lệ phí chứng thực
Liên Bộ Tài chính- Tư pháp vừa ban hành Thông tư liên tịch số 158/2015/TTLT-BTC-BTP quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Theo Thông tư này, mức thu lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính là 2.000 đồng/trang, từ trang thứ 3 trở lên thu 1.000 đồng/trang, nhưng mức thu tối đa thu không quá 200.000 đồng/bản; chứng thực chữ ký là 10.000 đồng/trường hợp; chứng thực hợp đồng, giao dịch là 30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch; chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch là 20.000 đồng/hợp đồng, giao dịch; sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực là 10.000 đồng/hợp đồng, giao dịch.
Một điểm thay đổi lớn của Thông tư này là quy định mức thu cụ thể đối với từng khoản lệ phí thay vì quy định trần sau đó ủy quyền lại cho Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức thu cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Như vậy, khi Thông tư này có hiệu lực, mức thu lệ phí lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch sẽ được thống nhất ở tất cả các địa phương.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định thêm: Lệ phí chứng thực là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Cơ quan thu lệ phí nộp 100% tổng số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Các khoản chi phí liên quan đến việc chứng thực được ngân sách nhà nước cấp theo dự toán được duyệt hàng năm.
Thông tư này có hiệu lực từ 30-11-2015, thay thế Thông tư liên tịch số 92/2008/TTLT-BTC-BTP của Liên Bộ Tài chính - Tư pháp hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực và Thông tư liên tịch số 62/3013/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản alý và sử dụng lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch.