Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát tránh lạm thu phí
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã thông tin như vậy tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2015 diễn ra ngày 1/9/2015.
Rà soát để bãi bỏ những khoản phí, lệ phí không hợp lý
Về vấn đề lạm thu trong nhân dân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (NSNN) đều được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, gồm các luật, pháp lệnh, nghị định và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
“Các khoản thu phải nằm trong quy định của pháp luật, được quy định ở luật, pháp lệnh, nghị định thì mới được phép thu. Còn tổ chức, cá nhân nào thu ngoài quy định của pháp luật, đặt ra khoản thu thì đó là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ phải hoàn trả lại cho người nộp”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Các luật thuế, phí và lệ phí sẽ được rà soát. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết theo định kỳ, Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung kịp thời để công khai, minh bạch, rõ ràng để tổ chức và cá nhân biết và thực hiện.
Đối với khoản thuế, phí, lệ phí, hiện nay, trong chương trình kỳ họp tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã trình ra Quốc hội Luật Phí, lệ phí thay thế cho Pháp lệnh về phí và lệ phí và sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2015.
Tinh thần của Luật này là rà soát để bãi bỏ những khoản phí, lệ phí không hợp lý, không hợp lệ, chuyển các khoản mang tính chất giá sang cơ chế giá theo quy định của pháp luật về giá. Còn các khoản nào theo đúng tính chất của phí, lệ phí thì quy định rõ ràng trong Luật. Lần này, danh mục phí, lệ phí đưa vào dự thảo luật, công khai minh bạch cũng như sẽ quy định mức thu phí để các tổ chức, cá nhân thực hiện.
Đồng thời với quy định pháp luật và triển khai thực thi pháp luật như vậy, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát để thực hiện bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm minh, tránh lạm thu và thu không đúng quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, việc lạm thu trong nhân dân, sau khi báo Nông nghiệp Việt Nam nêu vụ việc ở Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo và UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra và xử lý, trong đó có nêu rõ 5 vấn đề và yêu cầu các huyện nơi thực hiện lạm thu trong nhân dân hoàn trả lại các nguồn thu không đúng quy định pháp luật.
Một vấn đề khác cũng được báo chí quan tâm tại buổi họp báo là về kiến nghị giảm thuế nhập khẩu dầu diesel của Dung Quất, về vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị giảm thuế nhập khẩu dầu diesel của Dung Quất.
Khi giá xăng dầu trên thế giới giảm và khi thực hiện các hiệp định thuế, đặc biệt là các hiệp định FTA và ATIGA, tức là hiệp định thuế áp dụng đối với các nước thành viên ASEAN, Việt Nam phải thực hiện cam kết và giảm thuế.
Bộ Tài chính đã xem xét và giảm thuế phù hợp; cho đến nay mức thuế nhập khẩu hiện hành cũng đã được giảm. Bộ Tài chính cũng đã nhận được văn bản của Tập đoàn Dầu khí, văn bản của Dung Quất và đã có văn bản trả lời là trước mắt thuế nhập khẩu đối với xăng và dầu diesel giữ như hiện hành để tiếp tục theo dõi.
“Nếu có tác động bất lợi tới Nhà máy Dung Quất và nếu thuế nhập khẩu hiện hành tạo ra việc khách hàng sẽ chuyển sang mua xăng dầu nhập khẩu mà không mua xăng dầu của Dung Quất nữa thì Bộ Tài chính sẽ cùng với Bộ Công Thương theo dõi diễn biến. Còn hiện nay chúng tôi thấy với mức thuế nhập khẩu như hiện hành, vẫn đảm bảo được sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm
Theo Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Chính phủ lần này có nghe tình hình cổ phần hóa 8 tháng 2015 và qua báo cáo, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đánh giá, các cơ quan, địa phương đã tích cực thực hiện kế hoạch đề ra và đem lại một số kết quả, có khẩn trương hơn, một số ngành có tích cực hơn, kết quả cụ thể hơn.
“So với mục tiêu thì còn chậm và từ nay đến cuối năm 2015, nếu tôi nhớ không lầm thì có 289 doanh nghiệp có thể hoàn thành, còn lại 89 doanh nghiệp hoặc lý do này hoặc lý do khác chưa hoàn thành”, Người phát ngôn Chính phủ cho biết.
Chính phủ sau khi bàn đã thống nhất với quan điểm của Ban Chỉ đạo. Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, theo dõi, giám sát, chỉ đạo những đơn vị chưa làm được, đánh giá cho được nguyên nhân chủ quan, khách quan, nếu do chủ quan thì xử lý nghiêm. Khả năng là khó hoàn thành con số đề ra. Nhưng có thể nói con số lúc đầu đề ra là con số phấn đấu.
Với quyết tâm chính trị cao và với tác động của tình hình kinh tế thế giới, khu vực, không phải chúng ta cổ phần hóa với bất cứ giá nào, mà phải hết sức bình tĩnh, có bước đi thích hợp và hạn chế, khắc phục tối đa những sơ suất có thể khi cổ phần hóa, nhất là thất thoát tài sản Nhà nước.
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo nghiêm túc xem xét lại 89 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, khó hoàn thành để xem nguyên nhân, có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy thời gian tới và xử lý nghiêm những trường hợp do nguyên nhân chủ quan hoặc cố tình không hoàn thành.
Liên quan đến vấn đề tiền lương tối thiểu đang được bàn luận nhiều, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết nếu sau phiên làm việc lần thứ ba tới (ngày 3/9), các bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn chưa có tiếng nói chung về mức tăng lương tối thiểu, Chủ tịch Hội đồng tiền lương sẽ tổng hợp ý kiến và báo cáo Chính phủ xem xét.
Còn về vấn đề tổng mức kinh phí tổ chức dịp kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nêu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước là phải tổ chức trang trọng, ý nghĩa và hết sức tiết kiệm. “Hiện nay chưa có tổng kết về mức kinh phí, vì có nhiều ngành cùng tham gia. Sau khi tổng kết xong sẽ thông báo theo quy định”, Người phát ngôn của Chính phủ nói./.