Thu hẹp khoảng cách năng suất lao động
Trong số các ngành công nghiệp kinh tế chủ lực của đất nước, năng lượng đang có năng suất lao động cao nhất, ước tính đạt trên 350.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 6,4%/năm. Dù tăng cao, song theo đánh giá của Viện Năng suất Việt Nam và Bộ Công thương, năng suất lao động vẫn đang phụ thuộc vào tài nguyên và lao động giá rẻ.
Chênh lệch giữa các ngành chủ lực
Theo thông tin do Viện Năng suất Việt Nam đưa ra mới đây, các ngành công nghiệp có năng suất lao động cao gồm: Năng lượng, thép, hóa chất (từ 450 triệu đến trên 1 tỷ đồng/người/năm); nhóm ngành có năng suất lao động thấp là dệt may, da giày.
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương cho biết, năng suất lao động của ngành công thương có sự tăng trưởng so với trước: Năm 1990 chỉ đạt 2.800 USD/người, đến nay đã tăng lên 8.000 USD/người/năm. Năng suất lao động của lĩnh vực hóa chất bình quân đạt 450 triệu đồng/người/năm, tốc độ tăng trung bình 5,1%/năm. Ngành điện, điện tử tin học đứng thứ 3 với 380 triệu đồng/người/năm. Tiếp đến là lao động của ngành cơ khí, năng suất 300 triệu đồng/người/năm và tốc độ tăng trung bình 7,7%/năm.
Liên quan đến năng suất lao động ngành dệt may, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết, có sự khác biệt về năng suất giữa các công ty may, thậm chí là giữa các nhà máy, các phân xưởng trong một công ty. “Cùng một công đoạn nhưng năng suất của công ty này chỉ bằng 50% của một công ty khác. Thực tế triển khai những dự án cải tiến về năng suất tại các công ty may cho thấy, trong 6 tháng những dự án này có thể giúp cải tiến từ 10-15%. Thậm chí, nếu chọn đúng các giải pháp có thể đạt được cao hơn, từ 20-30%”, ông Tuấn cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia về năng suất, nhóm ngành có sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày có năng suất thấp, bình quân năng suất của ngành dệt may chỉ đạt 76 triệu đồng/người/năm, ngành da giày chỉ đạt 74 triệu đồng/người/năm. Năng suất của ngành dệt may gần như không thay đổi trong giai đoạn 2011-2015, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 0,4%/năm, ngành da giày là 4,9%/năm.
Tăng năng suất nhờ tài nguyên?
Dù năng suất ở một ngành tăng cao, song theo đánh giá của Viện Năng suất Việt Nam và Bộ Công thương, nhiều chỉ số cho thấy năng suất lao động vẫn chưa thực sự có chuyển biến, vẫn phụ thuộc vào tài nguyên và lao động giá rẻ.
Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Phú Cường, các ngành có năng suất bình quân cao thuộc về nhóm dựa vào lợi thế khai thác nguồn tài nguyên có sẵn và gia tăng đầu tư. Tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, phương tiện quản lý hiện đại trong các ngành còn hạn chế. “Điểm yếu của Việt Nam hiện nay vẫn nằm ở tư duy, kinh doanh theo kiểu nông nghiệp, manh mún, nhỏ lẻ. Biểu hiện rõ nét nhất là ở trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp lạc hậu, chưa bắt được xu hướng hiện đại của các doanh nghiệp trên thế giới”, ông Cường chia sẻ.
Theo đánh giá của Viện Năng suất Việt Nam, ngành năng lượng và thép có năng suất lao động cao cũng do dựa trên độ tăng cường vốn, trong đó vốn cho ngành thép không ngừng gia tăng với tốc độ 28,8%/năm và đầu tư vào ngành này không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Hai ngành này cũng có mức trang bị vốn đầu tư/lao động rất cao, tương ứng là 4,05 tỷ đồng/người và 3,36 tỷ đồng/người.
Trong các ngành nêu trên, điện, điện tử tin học cải thiện năng suất tốt nhất, tốc độ tăng năng suất lao động cao. Và đáng chú ý là tốc độ tăng năng suất của ngành này có yếu tố tổng hợp chứ không chỉ dựa vào vốn. Xét về lao động, lao động ngành năng lượng chiếm 7%; lao động của ngành da giày chiếm 24%; dệt may là 33%; điện, điện tử tin học và công nghệ thông tin chiếm 22%.
Cũng theo ông Cường, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng và mô hình quản trị. Các doanh nghiệp cần áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến nâng cao năng suất, cùng với việc đầu tư máy móc và công nghệ hiện đại. Việc này quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Quyết tâm cùng Chính phủ kiến tạo
Tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp đã khích lệ cộng đồng doanh nghiệp vươn lên, hướng tới tăng trưởng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tập đoàn này đặt mục tiêu tăng năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện từ 8 - 10% so với năm 2016. Đồng thời giảm từ 5-10% chi phí để các đơn vị và Tập đoàn sản xuất và kinh doanh điện năng có lợi nhuận. Năm 2016, năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện toàn Tập đoàn tăng 11% so với năm trước, đạt 1,737 triệu kWh/người và vượt kế hoạch gần 1%. Các Tổng Công ty Phát điện, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và 5 Tổng Công ty Điện lực đều đạt vượt các chỉ tiêu được giao về năng suất lao động.
Còn theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), những năm qua, ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng rất quan tâm đến vấn đề năng suất lao động. Bởi lẽ, yêu cầu mới đặt ra là doanh nghiệp luôn đứng trước thực tế phải điều chỉnh tăng lương cao cho người lao động, nên phải tìm mọi cách hỗ trợ họ tăng năng suất lên mức cao nhất.
“5 năm gần đây, năng suất lao động của doanh nghiệp dệt may đã tăng khoảng 50% so với trước. Tuy nhiên, mình tiến mạnh thì các nước trong khu vực cũng tiến mạnh. Năng suất lao động trong ngành dệt may của Việt Nam hiện chỉ bằng 50% của Trung Quốc, bằng 70% của Philippines…”, ông Dũng cho biết. Cũng theo ông Dũng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tìm cách rút ngắn thời gian, loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất.
Hy vọng, những năm tới, chúng ta sẽ rút ngắn khoảng cách về năng suất lao động so với các nước. Đây cũng chính là cách nâng cao thu nhập cho người lao động và sức cạnh tranh cho sản phẩm.