Thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội: Cần giải pháp đồng bộ
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, nhờ rốt ráo triển khai công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, năm 2017), việc thu hồi nợ đọng BHXH đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng BHXH, cần những giải pháp đồng bộ hơn.
Áp dụng nhiều giải pháp
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, tính đến hết tháng 7, số nợ BHXH vẫn còn khoảng 7.200 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước.
Tỷ lệ nợ đọng BHXH chỉ còn 3,6%, thấp hơn so với ngưỡng 5% của những năm trước. Lý do giảm nợ là triển khai tốt công tác thanh tra chuyên ngành và thi hành Bộ luật Hình sự với doanh nghiệp nợ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định mới cho phép BHXH Việt Nam được thanh tra và khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài, khiến nợ trong những tháng đầu năm có xu hướng giảm.
Phó Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam Mai Đức Thắng cho hay, quy định này là “cây gậy” để BHXH Việt Nam có thể thu hồi được nợ BHXH tốt hơn. Do đó, mục tiêu thu năm nay có thể vượt từ 1% đến 2% so với kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 7 tháng qua, cơ quan này đã thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành tổng số hơn 8.000 đơn vị. Kết quả thanh tra về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho thấy, có hơn 17.786 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia.
Tuy nhiên, cũng có 553 lao động có mức đóng thừa thời gian, đóng không đúng đối tượng và phải thoái thu, hoàn trả 1,8 tỷ đồng. Qua kiểm tra, BHXH Việt Nam đã lập biên bản vi phạm đối với 407 đơn vị, ban hành 364 quyết định xử phạt hành chính với số tiền là 11,2 tỷ đồng.
Phó Trưởng ban Thu Mai Đức Thắng khẳng định, cơ quan BHXH đã áp dụng nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng, bao gồm đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động thu ngay khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng. Tiếp đó là thanh tra, kiểm tra xử phạt kết hợp với công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH.
Đặc biệt, biện pháp công khai danh sách doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế trên phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương, có tác động lớn, mang lại hiệu quả cao.
Giải pháp này đã được triển khai từ những năm trước đây, nhưng năm nay thực hiện quyết liệt hơn. Tác động của giải pháp này rất tích cực, nhất là với các doanh nghiệp đang được xem xét tặng thương hiệu, danh hiệu.
“Ngay trong quá trình thanh tra, nhiều doanh nghiệp có động thái khắc phục. Thậm chí, khi cơ quan chức năng yêu cầu xử phạt, có doanh nghiệp đề nghị tạm dừng xử phạt, sẽ vay tiền khắc phục hậu quả ngay” - Phó Trưởng ban Thu Mai Đức Thắng cho biết.
Cân nhắc từng trường hợp
Kể từ cuối năm 2017 đến hết 6 tháng đầu năm 2018, với việc Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực và bổ sung các tội danh liên quan đến chiếm dụng tiền BHXH, ý thức nộp tiền BHXH của các đơn vị sử dụng lao động đã có nhiều chuyển biến.
Theo quy định hiện hành, hình phạt tù cao nhất cho hành vi này là 7 năm và mức phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỷ đồng. BHXH đã phối hợp với cơ quan điều tra để xử lý các trường hợp nợ BHXH có dấu hiệu hình sự. Hiện chỉ có duy nhất trường hợp Công ty Phương Nam bị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an và cơ quan điều tra hoàn thiện thủ tục để khởi tố.
Đại diện BHXH Việt Nam lý giải, không phải cứ nợ đọng BHXH là đưa ra cơ quan điều tra mà cơ quan BHXH chú trọng hơn tới việc đôn đốc, nhắc nhở kết hợp với thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính đồng thời yêu cầu nộp số tiền nợ đọng.
Bởi thực tế, chủ doanh nghiệp bị bắt thì người lao động cũng mất việc. Hơn nữa, cũng cần xem xét đến yếu tố để doanh nghiệp phát triển, chỉ đối với doanh nghiệp nào làm ăn tốt mà không chịu đóng BHXH mới đề nghị khởi tố. Còn đối với doanh nghiệp khó khăn thực sự cũng cần tạo điều kiện và xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, theo một số luật sư, cần phải sớm có Nghị định hướng dẫn chi tiết và rõ ràng về yếu tố cấu thành tội phạm của điều 216 Bộ luật Hình sự (tội Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động), nhằm tránh rủi ro trách nhiệm hình sự không đáng có cho người sử dụng lao động, đồng thời giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có công cụ pháp lý chặt chẽ nhằm xác định kịp thời tội phạm và xử lý đúng người, đúng tội.
Bởi trên thực tế, nếu chỉ dựa vào nội dung của điều 216 để tiến hành điều tra, truy tố và xét xử thì ranh giới giữa dân sự và hình sự là khá mong manh.
Các chủ doanh nghiệp nói riêng và người sử dụng lao động nói chung nếu không kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm cho người lao động một cách chặt chẽ thì có thể sẽ vô tình vi phạm điều luật này.
Khi một doanh nghiệp có hàng nghìn, chục nghìn lao động thì người sử dụng lao động càng khó kiểm soát một cách đầy đủ. Việc đóng bảo hiểm được chủ doanh nghiệp gần như giao phó toàn bộ cho bộ phận quản lý nhân sự.
Nhiều chuyên gia cho rằng, về phía người sử dụng lao động, trong thời gian chưa có Nghị định hướng dẫn, để bảo đảm an toàn cho mình, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với những nhân viên được giao trách nhiệm tính toán và nộp bảo hiểm cho người lao động.
Có như vậy, người sử dụng lao động mới nắm được tình hình thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm của doanh nghiệp mình một cách đầy đủ.