Thu thuế kinh doanh qua mạng xã hội: Phải làm và làm được
Việc quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử, trong đó có hoạt động giao dịch, buôn bán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instargram… được coi là phù hợp và đúng với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh.
Theo đại diện cơ quan Thuế, sắp tới sẽ có cơ chế để ngân sách vừa không thất thu, không tận thu, vừa đảm bảo lĩnh vực kinh doanh này chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời vẫn phát huy được thế mạnh riêng có của thương mại điện tử.
Bài toán khó…
Về nguyên tắc, theo quy định của Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh, dù bất kỳ hình thức nào cũng thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế. Nếu không thu, ngoài thất thu ngân sách, còn tạo ra sự bất bình đẳng khi những doanh nghiệp bán hàng qua mạng giảm được chi phí lớn, tạo lợi thế cạnh tranh về giá không lành mạnh với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới, do vậy việc quản lý thuế với loại hình kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), hoạt động thương mại điện tử được thực hiện qua các phương tiện công nghệ thông tin như: Điện thoại di động, máy tính, có thể phát sinh mọi lúc, mọi nơi, không giống như hình thức kinh doanh truyền thống (có cửa hàng, địa chỉ doanh nghiệp...), cùng với đó thông tin của người mua và người bán thường không hiển thị cụ thể, cơ quan Thuế muốn tìm kiếm cũng rất khó khăn.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đến bây giờ Việt Nam mới có kế hoạch thu thuế đối với các hoạt động mua bán qua mạng là đi sau các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, ở các nước tiên tiến, việc đánh thuế dựa vào việc mua bán hàng hoá, dịch vụ thông qua thanh toán bằng tài khoản ngân hàng. Cơ quan Thuế luôn có sự kết nối với hệ thống ngân hàng để lấy số liệu của hầu hết các giao dịch của khách hàng nên người kinh doanh qua mạng khó có cơ hội để trốn thuế.
“Một trong những nguyên tắc quan trọng của thu thuế là phải nắm được dòng tiền. Nhưng tại Việt Nam hiện nay, tuy áp dụng hình thức quảng cáo và bán hàng online, song hình thức mua bán trao đổi vẫn chủ yếu là trực tiếp hoặc qua nhiều hình thức đặt hàng khác như tin nhắn, điện thoại… Hơn hết, sự liên thông giữa hệ thống dữ liệu các bộ, ngành còn hạn chế, do đó kế hoạch thu thuế với những người kiếm tiền từ internet nói chung hay bán hàng trên mạng xã hội nói riêng sẽ là bài toán nan giải”, vị chuyên gia này nhận định.
Điều đáng nói, theo Luật sư Nguyễn Văn Quỳnh, Công ty Luật TNHH Phước & Các cộng sự, mạng xã hội được sử dụng để kinh doanh, giao dịch nhiều nhất hiện nay là Facebook lại không thuộc đối tượng mạng xã hội mà pháp luật Việt Nam có thể điều chỉnh vì Facebook không có bất kỳ hình thức hiện diện thương mại nào tại Việt Nam. Do đó, cơ quan quản lý trong nước chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu Facebook cung cấp thông tin của người bán hàng trên Facebook.
Luật sư Nguyễn Văn Quỳnh cho rằng: “Để thu thuế người bán hàng trên Facebook, chúng ta còn thiếu và yếu rất nhiều thứ: cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống, nhân sự kiểm tra, giám sát và cả tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân. Đó là biểu hiện của sự phát triển nhanh chóng các quan hệ xã hội được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự phát triển ngành công nghệ thông tin mà các rào cản pháp lý đã đặt ra hiện nay dường như trở nên vô hiệu. Câu chuyện này không chỉ diễn ra ở Việt Nam”.
… vẫn sẽ có cách giải
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, việc thu thuế đối với loại hình kinh doanh buôn bán trên các trang mạng xã hội tuy có một số khó khăn nhưng vẫn phải làm và làm được. Vì cá nhân, tổ chức đã đăng ký kinh doanh, đã khai thuế thì việc họ bán hàng ở cửa hàng thật hay bán hàng trên mạng không khác gì nhau bởi mạng xã hội cũng chỉ là công cụ để họ giới thiệu, giao dịch mà thôi. Bởi vậy, cơ quan quản lý không nên quan ngại việc thu thuế của những người bán hàng trên thế giới ảo vì tuy mạng là ảo nhưng doanh thu “khủng” là thật và Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Góp ý cho cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Trước mắt Nhà nước cần ban hành những quy định mang tính nguyên tắc và khả thi. Chẳng hạn khuyến khích người bán công khai địa chỉ, nguồn gốc hàng hóa; tự giác khai báo và đóng thuế Thu nhập cá nhân nếu có trên cơ sở phù hợp với pháp luật hiện hành. Tiến tới quy định phải đăng ký nếu quy mô kinh doanh lớn (chẳng hạn doanh số trên 100 triệu đồng/tháng)”.
Ông Phong chia sẻ thêm, ở chiều ngược lại, những người kinh doanh “trên mạng cũng không cần phải quá lo lắng về việc bị đánh đồng là “nhà kinh doanh” để đánh thuế cao bởi việc thu thuế phải có sự sàng lọc. Có thể ban đầu chỉ sàng lọc những người kinh doanh có doanh số cao, bán những sản phẩm giá trị lớn. Tiêu chí để sàng lọc dựa trên tiếng tăm của người bán trên cộng đồng mạng, số lượt view, lượt like, số người theo dõi... Việc này không khó vì hiện có rất nhiều người dùng mạng xã hội để bán hàng, công khai cả tài khoản ngân hàng.
Để đảm bảo tính khả thi trong việc thu thuế từ các hoạt động bán hàng trên mạng xã hội, Luật sư Nguyễn Văn Quỳnh nhấn mạnh, cơ quan chức năng còn rất nhiều việc phải làm. Đó là việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối liên thông giữa ngân hàng và cơ quan thuế, quản lý hoạt động đăng ký kinh doanh của cá nhân... Để nhận diện và quản lý đối tượng bán hàng trên mạng, bắt buộc phải có sự hợp tác từ phía nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Vì thế, phải có chế tài buộc các đơn vị này phải hợp tác.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, kinh doanh thương mại điện tử là một trong những vấn đề mà Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như ngành Thuế rất quan tâm. Việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử không chỉ là bài toán khó đối với ngành Thuế, mà nó còn là thách thức đối với hoạt động giao dịch điện tử xuyên biên giới nói chung. Chính vì thế, việc quản lý thuế đối với hoạt động này đã được đưa vào chương trình nghị sự nhiều phiên họp của Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước. Việt Nam với tư cách là chủ nhà APEC năm 2017 cũng đã đưa nội dung này vào chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC.