Thất thu thuế kinh doanh nhà hàng, khách sạn
Các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn đóng góp một khoản thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp kê khai không trung thực, cố tình lách luật để trốn thuế.
Tập trung xác định đối tượng trọng điểm
Nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế, bảo vệ quyền lợi, sự công bằng trong nộp thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã lập kế hoạch tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn.
Theo quyết định của Bộ Tài chính, từ tháng 6/2016 đến hết tháng 8/2016, việc triển khai kiểm tra chống thất thu thuế được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và tập trung vào các thành phố lớn (như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai).
Các cơ quan thuế tập trung xác định đối tượng thuộc diện kiểm tra chống thất thu thuế theo quy định hiện hành về quản lý rủi ro đối với doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh. Trong đó tập trung vào các DN có tổng diện tích sử dụng cho hoạt động kinh doanh thường xuyên từ 200m2 trở lên; có quy mô kinh doanh thực tế lớn hơn quy mô kinh doanh khai báo dự kiến từ 30% trở lên. Riêng đối với hộ kinh doanh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tập trung vào các hộ có doanh thu từ 5 tỷ đồng/năm trở lên; hoặc từ 3 tỷ đồng/năm trở lên và sử dụng thường xuyên trên 10 lao động.
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các địa phương thành lập ban chỉ đạo chống thất thu với các tổ kiểm tra gồm các cán bộ của từ cấp cục đến chi cục để kiểm tra chéo các địa bàn. Tùy theo từng lĩnh vực ngành nghề, các cục thuế và các chi cục thuế phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra trực tiếp tại trụ sở của người nộp thuế.
Chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với các sở ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, các sở, ngành và các địa phương quán triệt và tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Thuế tỉnh thực hiện kế hoạch kiểm tra chống thất thu thuế hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ, thời gian, chất lượng theo yêu cầu.
Kê khai thiếu trung thực còn phổ biến
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, hầu hết các cục thuế đã thành lập các đoàn kiểm tra, xây dựng kế hoạch kiểm tra chi tiết, tổ chức kiểm tra kịp thời…
Đơn cử, thực hiện theo kế hoạch từ 1/8 đến hết 31/8/2016, Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì và phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế 53 cơ sở kinh doanh (gồm 17 DN, 36 hộ kinh doanh) và kiểm tra tại một số chi cục thuế huyện trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình kiểm tra, cơ quan thuế tỉnh Tuyên Quang tập trung kiểm tra quy mô kinh doanh như: Nhà xưởng, kho bãi, diện tích mặt bằng kinh doanh, số lượng lao động thường xuyên làm việc tại DN, các phương tiện, tài sản tham gia kinh doanh, vốn, mua sắm trang thiết bị, mặt hàng kinh doanh…; đối với nhà hàng, khách sạn, cơ quan thuế tiến hành kiểm tra số phòng, số bàn, số nhân viên phục vụ, việc trình sổ lưu trú, đối chiếu lại doanh thu, tìm những bất hợp lý, xem xét hành vi trốn thuế.
Đối với Vĩnh Phúc là 1 trong 13 tỉnh, thành phố trọng điểm của đợt kiểm tra lần này. Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết ngày 31/8/2016, các đoàn kiểm tra chống thất thu thuế đã kiểm tra 25 DN và 22 hộ kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Qua kiểm tra, đã phát hiện 23 DN vi phạm kê khai thuế, truy thu với số tiền 721 triệu đồng; 6 hộ kinh doanh có thay đổi về doanh thu khoán với mức thay đổi 498 triệu đồng.
Qua công tác kiểm tra tại DN, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng đã cho thấy tình trạng thất thu ngân sách phần lớn do cơ sở kinh doanh cố tình thực hiện không đúng quy định về hóa đơn, chứng từ.
Nguyên nhân chính là do thói quen khi đi ăn uống, nghỉ dưỡng tại các nhà hàng, khách sạn, người dân thường không lấy hóa đơn khi thanh toán. Lợi dụng điểm này, các nhà hàng không xuất hóa đơn, đồng nghĩa với việc không kê khai doanh thu với cơ quan thuế.
Một thực tế cũng ảnh hưởng đến việc xuất hóa đơn, là nhiều khách hàng khi sử dụng dịch vụ của khách sạn, nhà hàng có nhu cầu lấy hoá đơn ngay, nhưng chủ nhà hàng, khách sạn không chịu cấp liền mà hẹn ngày khác vì lý do hết hóa đơn, hay kế toán đi vắng không xuất được hóa đơn, hoặc hóa đơn đã hết chưa kịp mua, đặc biệt đưa ra yêu cầu phải tính thêm 10% thuế GTGT trên phiếu tính tiền.