Thu thuế Tiêu thụ đặc biệt nước ngọt không vi phạm cam kết WTO
(Tài chính) Đó là khẳng định của ông Ngô Hữu Lợi- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khi chia sẻ về đề xuất bổ sung mặt hàng nước ngọt có ga không cồn vào diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Bộ Tài chính.
Như những lý lẽ mà Bộ Tài chính đã đưa ra cùng với đề xuất này, khi nghiên cứu các mặt hàng để áp thuế TTĐB, Bộ Tài chính nhận thấy cần đưa nước ngọt có ga không cồn vào diện chịu thuế trước hết là từ tính chất của mặt hàng này.
Ông Lợi cho biết, nước ngọt có ga không cồn là nước uống đã được sục khí CO2 bão hòa nhằm tạo cảm giác cay nồng, dễ chịu khiến người uống có giảm giác “đã” khát nên người dùng thích uống và có thể uống được nhiều hơn so với nhu cầu giải khát.
Theo nghiên cứu của một số tổ chức y tế trên thế giới (Trung tâm khoa học y tế- Đại học Texas; Nghiên cứu đăng trên Tạp chí dinh dưỡng lâm sàng Mỹ- Đại học Lund- Thụy Điển), trong nước ngọt có ga không cồn có chứa nhiều chất công nghiệp như hương vị, chất màu, chất bảo quản nên nếu lạm dụng dễ dẫn đến một số tác hại đến sức khỏe người dùng như: gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư. Do tạo cảm giác thích uống, dễ uống nên loại nước uống này rất dễ bị lạm dụng.
Trên cơ sở bằng chứng có hại cho sức khỏe, Anh và Thụy Điển đã đưa ra Luật bắt buộc các hãng sản xuất nước có ga phải in trên vỏ lon hoặc vỏ chai cảnh báo phụ nữ có thai, cho con bú hoặc trẻ em không nên dùng sản phẩm này.
Đồng thời, hơn 50 nước trên thế giới đã áp dụng thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga, trong đó có hầu hết các nước châu Âu và một số nước xung quanh Việt Nam như Thái Lan, Lào, Campuchia.
Gần đây, sau nhiều lần bị phản đối gay gắt của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nước ngọt, Mexico cũng đã quy định thu thuế TTĐB 10% đối với mặt hàng này bắt đầu tư 1-2-2014.
Giải thích thêm về mức thuế suất 10%, ông Ngô Hữu Lợi cho biết, việc áp dụng thuế suất này đối với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn đã được Bộ Tài chính nghiên cứu căn cứ vào giá của hàng hóa và mức độ tiêu thụ; căn cứ vào mục tiêu chính sách và mức độ cần định hướng tiêu dùng...
Khác với thuốc lá hay một số mặt hàng khác, sử dụng là gây hại cho sức khỏe, mặt hàng nước ngọt có ga chỉ có hại cho sức khỏe khi người tiêu dùng sử dụng quá mức cho phép. Mức thuế 10% cũng là mức thấp nhất tại Biểu thuế TTĐB, đủ để không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và không quá thấp để phát huy tác dụng định hướng tiêu dùng.
Bày tỏ quan điểm trước phản ứng của một số doanh nghiệp, ông Lợi cho rằng, mỗi một đề xuất đưa nhóm hàng hóa vào đối tượng chịu thuế TTĐB hoặc tăng thuế ở một nhóm hàng hóa, dịch vụ nào đó thì khó tránh khỏi sự phản đối của các nhà sản xuất loại hàng hóa đó với lý do ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.
Tuy nhiên, trên cơ sở cân nhắc về giá, khả năng tiêu thụ và đánh giá tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh mà Bộ Tài chính đã nghiên cứu, việc áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB 10% sẽ không có ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, do đó, khi ban hành chính sách thuế, Việt Nam phải cam kết không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
Đối với đề xuất thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn, dự thảo Luật đã đưa ra mức thuế suất thống nhất giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu mà không có sự phân biệt đối xử, nên không vi phạm các cam kết WTO.