Thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ


Quá trình số hóa sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi xanh và áp dụng các thực tiễn sản xuất bền vững, góp phần quan trọng trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và cải thiện liên kết FDI.

Thúc đẩy mô hình sản xuất thông minh và bền vững của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước
Thúc đẩy mô hình sản xuất thông minh và bền vững của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước

Ra mắt Bộ công cụ Đánh giá Chuyển đổi số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện Chiến lược về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa cung ứng, cũng như tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nội lực nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới của các tập đoàn đa quốc gia.

Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đồng thời, cũng khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số.

Có thể nói, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển nhằm góp phần xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, hiện đại.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngày 08/12/2023, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Tổ chức Tài chính quốc tế (nhóm Ngân hàng Thế giới) đã lần đầu tiên ra mắt Bộ công cụ Đánh giá Chuyển đổi số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Bộ công cụ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình sản xuất thông minh và bền vững của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước, nhằm tăng cường vị thế và khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Bộ công cụ đánh giá chuyển đổi số sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm xác định thực trạng của doanh nghiệp; đồng thời cung cấp thông tin chuyên sâu và tăng cường nhận thức về chuyển đổi số trong quá trình triển khai đánh giá; để từ đó doanh nghiệp dễ dàng triển khai các khuyến nghị/giải pháp theo lộ trình chuyển đổi số dài hạn phù hợp với năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp.

Đây cũng là bộ công cụ đầu tiên ở Việt Nam tích hợp đánh giá việc số hóa quá trình chuyển đổi xanh và áp dụng các thực tiễn sản xuất bền vững của doanh nghiệp. Thông qua việc áp dụng chuyển đổi số theo hướng sản xuất bền vững, các nhà cung cấp có thể xây dựng quy trình hiệu quả, tăng cường việc giảm phát thải, cũng như tuân thủ các yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của nhà nước và khách hàng.

Chương trình Thí điểm Chuyển đổi số được triển khai với sự hợp tác của Chính phủ Nhật Bản, tiếp nối thành công của Chương trình Phát triển Nhà cung cấp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tỷ trọng giá trị gia tăng tạo ra và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần nhiều sự nỗ lực, khuyến khích và quan tâm hơn nữa

Thực tế cho thấy hiện trạng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt Nam còn chậm. Doanh nghiệp gặp rào cản lớn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; chưa nắm được thông tin về các giải pháp và công nghệ hiện có và mức độ phù hợp với doanh nghiệp; thiếu chuyên gia, nhân lực nội bộ am hiểu về công nghệ số; và tâm lý ngại thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống.

Vì vậy, quá trình Chuyển đổi số trong ngành chế biến, chế tạo vẫn cần nhiều sự nỗ lực, khuyến khích và quan tâm hơn nữa của các tổ chức, doanh nghiệp và mọi thành phần xã hội.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số hay xây dựng năng lực số là việc buộc phải làm để tiến tới sản xuất thông minh. Khâu tổ chức thực hiện và nhân lực của doanh nghiệp cho việc chuyển đổi số là vấn đề rất lớn. Những lãng phí lớn trong sản xuất hiện đại không còn nằm chủ yếu ở các yếu tố hữu hình như nguyên, vật liệu hay nhân công, mà phần nhiều nằm ở các yếu tố vô hình dẫn đến việc sản xuất chung giảm hiệu quả, khả năng cạnh tranh trên toàn chuỗi hay trong toàn doanh nghiệp không cao.

Để giúp các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, các cơ quan liên quan cần tạo ra hạ tầng số tốt để phục vụ chuyển đổi sang sản xuất thông minh như: trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và triển khai sản xuất thông minh… Nhà nước cần có ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất thông minh; hình thành các bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số, sản xuất thông minh theo chuẩn quốc tế và được cập nhật thường xuyên…

Theo Lê Vân/kinhtevadubao.vn