Thúc đẩy dự tham gia của Việt Nam vào hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế
Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế và khu vực, tham gia vào các hoạt động Ban kỹ thuật và xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế có những thuận lợi như Tiêu chuẩn Việt Nam xây dựng theo phương pháp ban kỹ thuật, tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của ISO/IEC.
Bên cạnh đó, thành viên Ban kỹ thuật đều được đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn hoá, trong đó có xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế; nhiều thành viên trực tiếp tham gia các cuộc họp, góp ý Tiêu chuẩn quốc tế. Việc tham gia thành viên P tại ISO và IEC cũng tạo thuận lợi cho cập nhật thông tin, định hướng, đầu vào cho kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam gặp không ít những khó khăn như: Chưa có định hướng chiến lược tiêu chuẩn hoá và các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể về hoạt động tham gia xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế; Tham gia xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam chủ yếu dừng lại ở việc góp ý các dự thảo tiêu chuẩn ISO, IEC; Phần lớn thành viên Ban Kỹ thuật còn đương chức, kiêm nhiệm…
Hiện nay, các Bộ, ngành, tổ chức, DN, chuyên gia chưa thực sự chú trọng tham gia sâu vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế; Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam còn thiếu đội ngũ Thư ký Ban Kỹ thuật có khả năng tham gia và điều hành hoạt động xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế; Hạn chế về tiếng Anh; Chưa có kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động tham gia và xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế; Chưa có quy định cụ thể về quyền lợi, cơ chế đãi ngộ đối với thành viên Ban Kỹ thuật...
Ngoài ra, thực tế cho thấy, hiện nay, các chuyên gia tham gia chủ yếu là do sự nhiệt tình, tự học hỏi và nhu cầu của cá nhân; Có sự cạnh tranh và lợi ích quốc gia của các nước khi tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế.
Trước những thuận lợi và khó khăn, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế và khu vực, tham gia vào các hoạt động Ban kỹ thuật và xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế, gắn kết với định hướng chiến lược của quốc gia, của các bộ, ngành và địa phương.
Bên cạnh đó, có cơ chế và quy định cụ thể về tham gia hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế và khu vực, tham gia vào các hoạt động Ban kỹ thuật và xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế; Xây dựng chiến lược dài hạn về nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Việt Nam về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và ngoại ngữ, nhất là cho đội ngũ trưởng ban, thư ký Ban kỹ thuật.
Lựa chọn những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng, lợi thế xuất khẩu, sản phẩm hàng hoá chủ lực để thúc đẩy các Ban kỹ thuật tham gia vào hoạt động Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc tế, trực tiếp đề xuất các dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế; Tập trung đầu tư nghiên cứu tiền khả thi cho các đối tượng tiêu chuẩn hoá mà Việt Nam có tiềm năng; Tăng cường hội thảo quốc tế để thúc đẩy các hoạt động đào tạo, tổ chức hội nghị, hội thảo, triển khai các dự án trong và ngoài nước; tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế, khu vực và các nước; Huy động sự tham gia, đóng góp nguồn lực từ các bộ, ngành, tổ chức, cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu, DN tham gia vào Ban kỹ thuật và góp ý, xây dựng tiêu chuẩn quốc tế...