Thúc đẩy hợp tác xã chăn nuôi phát triển

Theo Anh Quang, Sương Giang/nhandan.vn

Thời gian qua, các hợp tác xã chăn nuôi ở một số địa phương trong cả nước đã có nhiều đổi mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại, hình thành những chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, được người tiêu dùng đánh giá tốt.

Sơ chế sản phẩm thịt lợn sạch tại Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long.
Sơ chế sản phẩm thịt lợn sạch tại Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long.

Cả nước hiện có hơn 1.000 hợp tác xã/tổ hợp tác chăn nuôi, trong đó có một số hợp tác xã (HTX) chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đã chủ động khắc phục khó khăn, đưa nhiều ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Đơn cử như HTX Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nuôi lợn sinh học theo chuỗi, là một trong những HTX đang nuôi tiêu biểu trên địa bàn thành phố. HTX nuôi 400 lợn nái và hơn 4.000 lợn thương phẩm, chuồng nuôi có lắp đặt hệ thống làm ấm về mùa đông, mát vào mùa hè; có hệ thống xử lý mùi hôi.

Giám đốc HTX Hoàng Long Nguyễn Trọng Long thông tin thêm, ngoài chăn nuôi lợn giống, lợn thịt, HTX còn tổ chức giết mổ, làm mát, cấp đông và chế biến sản phẩm từ thịt như: Giò, chả, xúc xích... với nhãn hiệu “Thịt lợn sinh học A-Z”. Sản lượng thịt có ký kết tiêu thụ 60 tấn/tháng, cho doanh thu từ 50 đến 70 tỷ đồng/năm. Tiếp đến là HTX Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì (huyện Ba Vì), sản xuất theo mô hình chuỗi khép kín, với các sản phẩm được chế biến 100% từ nguồn sữa sạch tại trang trại như: Sữa tươi thanh trùng có đường, không đường, sữa chua nếp cẩm, caramen, bánh sữa mang thương hiệu Trang Viên Ba Vì..., đã có sáu sản phẩm từ sữa của HTX được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao.

Ngoài ra, ở một số tỉnh, thành phố cũng có nhiều HTX làm ăn khấm khá. Tại Tuyên Quang, có HTX Nông nghiệp hữu cơ Sơn Lâm (xã Thái Bình, huyện Yên Sơn), hiện nuôi khoảng 400 con lợn đen bản địa và bò.

Phó Giám đốc HTX Trần Quang Võ chia sẻ, mô hình trại nuôi được đầu tư theo hướng bảo đảm ba không, gồm: không sử dụng cám công nghiệp làm thức ăn cho lợn; không sử dụng chất kháng sinh, chất tạo nạc và không gây ô nhiễm môi trường. Sản phẩm của chúng tôi hiện được tiêu thụ ở TP Tuyên Quang (Tuyên Quang), TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), TP Việt Trì (Phú Thọ), TP Hà Nội..., với giá dao động từ 120 nghìn đến 130 nghìn đồng/kg lợn hơi, lợi nhuận thu về khoảng 1 triệu đồng/đầu con lợn, mang lại thu nhập ổn định cho HTX. Thời gian tới, HTX sẽ dành quỹ đất trồng nhiều sản phẩm nông nghiệp để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn tại chỗ, cung cấp cho vật nuôi.

Bên cạnh những việc làm được, có ý kiến cho rằng, hiện các HTX chăn nuôi vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò...) còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay (năm 2022 đã tăng sáu lần) bởi vẫn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi thiếu bền vững, đầu ra cho sản phẩm vẫn bấp bênh, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của một số sản phẩm chăn nuôi chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Mặt khác, khi các HTX muốn có thêm quỹ đất để mở rộng sản xuất thì rất khó để có thêm. Cơ sở vật chất, nguồn vốn hoạt động của một số HTX còn khó khăn, quy mô hoạt động nhỏ. Nhiều HTX khi chuyển sang mô hình HTX kiểu mới hoạt động còn lúng túng, chưa có phương án, kế hoạch phát triển dài hạn...

Theo các chuyên gia, để giải quyết rốt ráo những “điểm nghẽn” này, thúc đẩy các HTX chăn nuôi phát triển, Nhà nước cần có thêm các chính sách phù hợp thực tế để tháo gỡ những khó khăn về đất đai, nguồn vốn, kỹ thuật, giống, thức ăn chăn nuôi..., tạo thuận lợi cho các HTX liên kết, đầu tư chăn nuôi. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tiếp tục đầu tư chuỗi sản xuất khép kín, bao gồm cả nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, phù hợp từng thị trường, vùng, miền.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, các địa phương cần chủ động áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cao nhằm hỗ trợ các HTX như: sử dụng chuồng kín, tự động hóa ở các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi; chú trọng công nghệ sinh học, đầu tư vào cơ sở sản xuất giống nhập nội nhằm bổ sung các giống cao sản, cải tạo giống để nhân giống, lai tạo được nhiều giống chất lượng; góp phần tạo động lực để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả.