Thúc đẩy thực hành quản trị công ty tại thị trường Việt Nam
Trước nhu cầu phát triển của thị trường chứng khoán, cũng như trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, việc thúc đẩy xây dựng khung pháp lý, thể chế và cơ chế thực hành quản trị công ty tại thị trường Việt Nam là hết sức cần thiết.
Với những nỗ lực bền bỉ của các Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cùng các doanh nghiệp niêm yết và các đơn vị liên quan, nhiều chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy quản trị công ty đã được triển khai trong những năm qua.
Các chương trình đánh giá công bố thông tin và minh bạch của HNX đã đạt được thành công nhất định trong việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp niêm yết nói riêng và toàn TTCK nói chung về tầm quan trọng của công bố thông tin minh bạch cũng như quản trị công ty.
Các chương trình này đã được thị trường và công chúng đầu tư quan tâm đón nhận, và nhận được sự đánh giá cao từ UBCKNN, Bộ Tài chính cũng như sự ủng hộ của Chính phủ. Mới đây, ngày 6/6/2017, Chính phủ đã ban hành nghị định 71/2017/NĐ-CP Hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
Nếu như trong các chương trình đánh giá công bố thông tin và minh bạch của HNX những năm trước các tiêu chí đánh giá tập trung vào cả 5 nội dung quản trị công ty theo Bộ Nguyên tắc quản trị công ty của OECD, trong đó số lượng tiêu chí về công bố thông tin chiếm đa số (46%) thì năm nay các tiêu chí đánh giá sẽ được phân bố đều trong tất cả các lĩnh vực nhằm đánh giá chất lượng quản trị công ty một cách tổng quát hơn.
Mục tiêu của chương trình năm nay nhằm đưa ra những đánh giá tổng quan về chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết làm cơ sở phân tích dữ liệu cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp niêm yết, góp phần thiết lập cơ chế “cưỡng chế thực thi mềm” để thúc đẩy nhận thức và hành vi liên quan đến quản trị công ty.
Đối tượng được đánh giá là toàn bộ doanh nghiệp đang niêm yết trên HNX đến trước ngày 20/4/2017, không tính những doanh nghiệp hủy niêm yết, tổng cộng có 352 doanh nghiệp.
Bộ tiêu chí đánh giá được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề quản trị công ty, trong đó có Luật Doanh nghiệp, Thông tư 121/2012/TT-BTC và Thông tư 155/2015/TT-BTC và các khuyến nghị theo các thông lệ quốc tế.
Bộ tiêu chí bao gồm 70 câu hỏi chia thành 2 nhóm chính là nhóm các tiêu chí tuân thủ các quy định pháp lý và nhóm các tiêu chí áp dụng các thông lệ quốc tế. Bốn lĩnh vực chính được đánh giá là: 1. Quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng với cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản, 2. Vai trò của các bên liên quan, 3. Công bố thông tin và minh bạch, và 4. Trách nhiệm của HĐQT và Ban Kiểm soát.
Việc đánh giá được thực hiện từ góc nhìn của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp niêm yết, theo đó nguồn dữ liệu đánh giá sẽ dựa trên các thông tin được doanh nghiệp niêm yết công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin công bố sẽ bao gồm toàn bộ các thông tin doanh nghiệp niêm yết công bố cho năm tài chính 2016.
Các thông tin này được doanh nghiệp niêm yết cung cấp cho HNX theo quy định của pháp luật và các thông tin mà doanh nghiệp niêm yết công bố trên phương tiện thông tin đại chúng.
Dữ liệu đánh giá bao gồm điều lệ, quy chế nội bộ về quản trị công ty; các tài liệu, nghị quyết và biên bản họp đại hội đồng cổ đông; báo cáo tài chính quý/bán niên soát xét/kiểm toán năm; báo cáo thường niên; báo cáo tình hình quản trị công ty, các thông tin công bố định kỳ, bất thường; trang thông tin điện tử chính thức của doanh nghiệp (website) và các tài liệu bổ sung khác.
Để đảm bảo tính khách quan và chuyên nghiệp, việc đánh giá dữ liệu của chương trình vẫn sẽ được thực hiện bởi một đơn vị thứ ba độc lập.
Việc phát triển bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản trị công ty được coi là một trong những yếu tố thiết yếu trong chiến lược quản trị công ty quốc gia. Một bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản trị công ty toàn diện không chỉ giúp các nhà đầu tư và thị trường hạn chế được rủi ro đầu tư bắt nguồn từ các vấn đề quản trị công ty trong doanh nghiệp mà còn cung cấp cơ sở dữ liệu cho hoạt động quản lý, nghiên cứu, nâng cao thực hành quản trị công ty của cơ quan quản lý, viện nghiên cứu... Áp dụng các khuyến nghị của OECD, một số quốc gia trên thế giới đã thiết lập hệ thống đánh giá chất lượng quản trị công ty, ví dụ như Đài Loan, Philippines, Hong Kong, Canada Trung Quốc.
Việc đánh giá chất lượng quản trị công ty cung cấp thang đo chất lượng quản trị công ty Quốc gia, giúp các cơ quan quản lý nghiên cứu và tư vấn chiến lược phát huy được vai trò của mình trong nhiệm vụ chung phát triển quản trị công ty cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó còn góp phần thiết lập cơ chế cưỡng chế thực thi mềm giúp nâng cao ý thức và tính chủ động thực hiện quản trị công ty. Ở cấp độ doanh nghiệp, Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp lượng hóa được quá trình thực hiện quản trị công ty của tổ chức mình, từ đó đưa ra được những chiến lược cụ thể để cải thiện chất lượng quản trị công ty.