Thuế tài sản của các nước được tính như thế nào?

Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn

Nhiều quốc gia thu thuế đối với cả nhà ở, đất ở và đất của các công trình không sử dụng để ở (như văn phòng cho thuê, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…) và cho mục đích công nghiệp (như đất khai thác mỏ, đất xây dựng nhà máy, đất cảng…).

Nhiều quốc gia thu thuế đối với cả nhà ở, đất ở và đất của các công trình không sử dụng để ở. Ảnh: TL
Nhiều quốc gia thu thuế đối với cả nhà ở, đất ở và đất của các công trình không sử dụng để ở. Ảnh: TL

Theo báo cáo kinh nghiệm quốc tế về đánh thuế tài sản của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, các nước có 3 phương thức đánh thuế: Đánh thuế đối với đất, nhà và công trình trên đất; đánh thuế đối với nhà; đánh thuế đối với đất. Hầu hết các nước đánh thuế đối với cả nhà và đất.

Đánh thuế đối với nhà, đất và tài sản gắn liền với đất là phương thức thông dụng được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển và các nước OECD (Tổ chức các nước Hợp tác và phát triển kinh tế). 

Về đối tượng chịu thuế, nhiều quốc gia thu thuế đối với cả nhà ở, đất ở và đất của các công trình không sử dụng để ở (như văn phòng cho thuê, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…); và cho mục đích công nghiệp (như đất khai thác mỏ, đất xây dựng nhà máy, đất cảng…).

Đất ở, nhà ở chịu gánh nặng thuế ở mức thấp hơn so với các loại đất, nhà sử dụng cho các mục đích kinh doanh (do nhà, đất sử dụng cho mục đích kinh doanh có tạo ra thu nhập nên cần điều tiết cao). Một số quốc gia không thu thuế đối với nhà ở chính (có thể miễn toàn bộ giá trị tài sản hoặc miễn đối với giá trị tài sản dưới một ngưỡng nhất định).

Báo cáo này cho biết, các quốc gia khi đánh thuế đối với cả nhà và đất thường gộp chung giá trị nhà và giá trị đất khi tính thuế. Theo cách này, nhà và đất chịu cùng một mức thuế suất (Indonesia, Phillipines, Thái Lan…). Cũng có một số quốc gia áp dụng biểu thuế riêng đối với nhà và đất và điều tiết cao hơn đối với đất như ở Hàn Quốc.

Ở Thái Lan, đối tượng chịu thuế là nhà và đất (để ở, thương mại) do các tổ chức, cá nhân sử dụng và thuộc đối tượng tính thuế của thuế tài sản. Không tách riêng nhà và đất khi đánh thuế.

Cách tính thuế như sau: Thuế phải nộp = Giá trị nhà, đất x thuế suất.

Trong đó, thuế suất phân biệt theo mục đích sử dụng nhà đất: Dưới 0,5% đối với nhà đất sử dụng cho mục đích thương mại; 1% đối với đất không sử dụng, hoặc bỏ hoang; dưới 0,1% đối với nhà đất sử dụng để ở; dưới 0,05% đối với nhà đất ở nông thôn. Giá nhà đất được các địa phương xác định và công bố 3 năm/lần.

Ở Phillipines, đối tượng chịu thuế là nhà ở, nhà kinh doanh và đất ở, đất xây dựng công trình, đất nông nghiệp do các tổ chức, cá nhân sử dụng, không tách riêng nhà và đất khi đánh thuế.

Giá nhà đất do cơ quan định giá của địa phương (tỉnh, thành phố) quy định. Việc xác định giá nhà đất tính thuế căn cứ vào hai yếu tố: Giá FMV (Fair market value, được điều tra, số liệu thống kê), là giá nhà cao nhất mà một tài sản nhà đất có thể được mua bán trên thị trường mở, có đủ thời gian cho người mua và bán tìm hiểu, gặp gỡ để thỏa thuận mua bán.

Sau đó kết hợp với tỷ lệ định giá % (gọi tắt là AR- assessment ratio) đánh thuế nhà đất theo giá FMV để xác định giá trị nhà đất để tính thuế: 20% giá FMV đối với nhà đất, ở; 50% nhà đất thương mại, công nghiệp, khai khoáng; 40% đối với đất nông nghiệp; 20% đối với nhà đất khai thác gỗ; 15% nhà đất cho khoa học, văn hóa, bệnh viện.

Khung thuế suất phân biệt đối với các tỉnh, thành phố: Dưới 1% đối với các tỉnh; dưới 2% đối với các thành phố lớn và thủ đô Manila.

Các địa phương quy định mức thuế suất cụ thể áp dụng tại địa phương đó. Cách tính thuế: Thuế phải nộp = Giá FMV x AR x thuế suất.