Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế tại Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử hiện đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia vì những đóng góp lớn cho tăng trưởng nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, thương mại điện tử ở Việt Nam đang từng bước hình thành, tăng trưởng mạnh mẽ, và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong phân phối hàng hóa. Bài viết phân tích thực trạng, vai trò của thương mại điện tử trong phát triển kinh tế tại Việt Nam, qua đó đề xuất những giải pháp nhằm khuyến khích sự phát triển thương mại điện tử phù hợp với yêu cầu quản lý của Nhà nước gắn với tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử.

Giới thiệu

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Việt Nam cũng là một trong hai nước (cùng Indonesia) có tăng trưởng mạnh về lượng truy cập website TMĐT trong khu vực. Với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, dự báo năm 2020, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam có thể lên tới 13 tỷ USD. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi có đến 68 triệu người dùng internet trên tổng số 97 triệu người Việt Nam, là động cơ thúc đẩy mảng TMĐT phát triển mạnh mẽ.

Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, TMĐT ở Việt Nam cũng đang từng bước hình thành và tăng trưởng mạnh mẽ. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực còn tương đối mới mẻ này, tuy nhiên, quá trình phát triển TMĐT ở Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn thảo.

Cơ sở lý thuyết

Hiện nay, trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về TMĐT. Liên Hợp quốc đưa ra định nghĩa khá đầy đủ để các nước có thể tham khảo làm chuẩn, tạo cơ sở xây dựng chiến lược phát triển TMĐT phù hợp:  “TMĐT là việc thực hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh bao gồm marketing, bán hàng, phân phối và thanh toán thông qua các phương tiện điện tử”.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho rằng: “TMĐT là việc làm kinh doanh thông qua mạng internet, bán những hàng hoá và dịch vụ có thể được phân phối không thông qua mạng hoặc những hàng hoá có thể mã hoá bằng kỹ thuật số và được phân phối thông qua mạng hoặc không thông qua mạng”.

Theo Liên minh châu Âu, TMĐT bao gồm các giao dịch thương mại thông qua các mạng viễn thông và sử dụng các phương tiện điện tử. Nó bao gồm TMĐT gián tiếp (trao đổi hàng hóa hữu hình) và TMĐT trực tiếp (trao đổi hàng hóa vô hình). TMĐT cũng được hiểu là hoạt động kinh doanh điện tử, bao gồm: Mua bán điện tử hàng hóa, dịch vụ, giao hàng trực tuyến trên mạng với các nội dung số hóa được; hợp tác thiết kế và sản xuất; vận đơn điện tử – E/B/L; tìm kiếm các nguồn lực trực tuyến; marketing trực tiếp, dịch vụ khách hàng sau khi bán…

Trong khi đó, theo Tổ chức Thương mại Thế giới: “TMĐT bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng internet, nhưng được giao nhận có thể hữu hình hoặc giao nhận qua internet dưới dạng số hoá”.

So với các hoạt động thương mại truyền thống, TMĐT có một số điểm khác biệt cơ bản sau: Các bên tiến hành giao dịch trong TMĐT không tiếp xúc trực tiếp với nhau và không đòi hỏi phải biết nhau từ trước; Các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện với sự tồn tại của khái niệm biên giới quốc gia, còn TMĐT được thực hiện trong một thị trường không có biên giới (thị trường thống nhất toàn cầu); Trong hoạt động giao dịch TMĐT đều có sự tham gia của ít nhất 3 chủ thể, trong đó có một bên không thể thiếu được là người cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực. Thông thường nền tảng ứng dụng TMĐT gồm: Thư điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, kênh di động, các ứng dụng cho thiết bị di động, kênh truyền hình.

Thực trạng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ

Năm 2019, thị trường TMĐT Việt Nam chia tay những “ông lớn” như: Adayroi hay Lotte.vn, nhưng không vì thế mà sức hút ở lĩnh vực này kém đi. Theo báo cáo eConomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đầu năm 2020 đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Đáng chú ý, Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2019 được Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành cho thấy, tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam đang ở mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

 Đặc biệt, vai trò của TMĐT cũng trở nên quan trọng hơn khi tỷ trọng doanh thu từ TMĐT trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2019 đạt 4,2%, tăng 0,6% so với năm 2018. Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT tăng vọt. Năm 2019, cả nước có 39,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 11,8% so với năm 2018 và tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 năm. Giá trị mua sắm trực tuyến bình quân đầu người đạt 202 USD, tăng 8,6%. Trong số 10 sàn TMĐT có tổng số lượt truy cập website cao nhất tại thị trường Đông Nam Á 6 tháng đầu năm 2019, có tới 5 là của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam – gồm Tiki, Sendo, thegioididong, Điện Máy Xanh và FPT Shop.

Theo các chuyên gia, thị trường TMĐT Việt Nam đang diễn ra theo hai xu hướng. Một là, cuộc chơi dành cho các ông lớn TMĐT với những khoản đầu tư khổng lồ nhằm tranh giành thị phần; Hai là, sự xuất hiện ngày càng nhiều các ý tưởng khởi nghiệp với công nghệ đột phá cung cấp dịch vụ cho những DN đầu ngành. Theo Bảng xếp hạng các DN TMĐT hàng đầu tại Việt Nam do iPrice insights cập nhật vào ngày 03/3/2020 cho thấy, Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website (đạt trung bình 38 triệu lượt/tháng). Theo sau lần lượt là Thegioididong với 28 triệu lượt/tháng, Sendo với 27,2 triệu lượt/tháng, Lazada với 27 triệu lượt/tháng và Tiki với 24,5 triệu lượt/tháng.

Cạnh tranh cao đối với dịch vụ giao hàng chặng cuối và hoàn tất đơn hàng

Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của TMĐT, thời gian gần đây đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Ba yếu tố nổi bật của lĩnh vực này là đầu tư gia tăng mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ tiên tiến và cạnh tranh khốc liệt. Sự không hài lòng trong trải nghiệm giao hàng là một điều khá phổ biến đang diễn ra trong hoạt động TMĐT ở khu vực Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của iPrice và Parcel Performance, có đến 34,1% người dùng TMĐT trong khu vực vẫn chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ chuyển phát bưu kiện mà họ nhận được. Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy, trung bình phải mất 5-6 ngày sản phẩm mới được chuyển phát đến tận tay người mua, tốc độ giao dịch chậm thứ hai trong khu vực.

Nhận thấy nhu cầu về tốc độ giao hàng nhanh chóng và kịp thời của người tiêu dùng là chính đáng, các công ty TMĐT hàng đầu tại Việt Nam đang chạy đua nước rút để cải thiện tốc độ giao hàng với nhiều chiến lược khác nhau để gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Cạnh tranh giao nhận hàng hóa nhanh hay chậm trên thị trường ngày càng trở nên khắc nghiệt khi “người khổng lồ” DHL cam kết giao hàng trong ngày, Lazada mở dịch vụ hỏa tốc, Tiki với “tuyên ngôn” giao hàng trong vòng 2 giờ, Shopee “cam kết” giao hàng trong 4 giờ với dịch vụ Shopee Express.

Các sàn TMĐT Việt Nam trong vài năm trở lại đây liên tục đẩy mạnh hệ thống kho vận hậu cần nhằm tối ưu hiệu suất và chi phí. Chẳng hạn như: Tiki đã hợp tác với UniDepot, một nhà cung cấp dịch vụ hậu cần đang sở hữu 35.000 m2 không gian lưu kho trong nước, để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng trong tương lai. Trong khi đó, Lazada mở các kho giao nhận tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh. LEL Express đã đưa trung tâm phân loại hàng hóa thứ 2 ở Hà Nội đi vào hoạt động với công suất khoảng 10.000 sản phẩm/giờ.

Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT cho thấy, hiện nay, Việt Nam có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ. Con số này đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm qua. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là DN cung cấp dịch vụ chuyển phát được 61% các đơn vị bán hàng trực tuyến thuê, tiếp đó là Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ là 25%. Tỷ lệ tương ứng cho EMS, giao hàng nhanh và giao hàng tiết kiệm lần lượt là 5%, 1% và 1%. Các đơn vị chuyển phát khác chỉ chiếm 13%. Năm 2019 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của một số doanh nghiệp khởi nghiệp logistics như: Ninja Van, Ahamove, J&T Express, GrabExpress kết hợp với các sàn TMĐT khiến cho việc giao hàng được thực hiện nhanh chóng và nhận được phản hồi tích cực từ người mua hàng.

Bùng nổ phương thức thanh toán trực tuyến

Các hình thức thanh toán trực tuyến thông qua thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán trực tuyến dạng như Paypal, Payoneer… sẽ phổ biến rộng rãi hơn, bên cạnh đó là các hình thức thanh toán trung gian thường gặp như Ngân Lượng, Bảo Kim, Momo, ZaloPay… giúp cho người dùng thuận tiện hơn trong việc mua và bán, đồng thời tăng sức mua hàng và đơn hàng cho các shop bán hàng. Xu hướng thanh toán trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ khi có đến 21% các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ được thực hiện onine; trong đó tỷ lệ nữ giới và nam giới thực hiện thanh toán online lần lượt là 21% và 20%. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường cũng tạo cơ hội cho việc thanh toán trực tuyến bùng nổ khi việc thanh toán bằng tiền mặt có nhiều rủi ro lây lan virus.

Khó khăn và thách thức trong việc phát triển thương mại điện tử

Hiện nay, phát triển TMĐT gặp một số khó khăn, thách thức sau:

Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế tại Việt Nam   - Ảnh 1

Thứ nhất, dù phát triển mạnh mẽ nhưng thị trường TMĐT cũng tạo ra một cuộc sàng lọc khắc nghiệt. Đầu tháng 2/2020, Leflair đã thông báo tạm ngưng hoạt động tại Việt Nam. Theo lý giải của nhà đầu tư này, xây dựng và mở rộng TMĐT đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong đó, công nghệ, kho vận, nhân sự là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của DN. Tuy nhiên, áp lực nguồn vốn hữu hạn và yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành buộc DN phải đưa ra quyết định khó khăn này. Không chỉ có Leflair, trước đó, trong năm 2019, thị trường đã chứng kiến sự “ra đi” của nhiều thương hiệu bán hàng trực tuyến như Robins.vn, Adayroi.vn (của Vingroup). Những cái tên khác như vuivui.com (của thegioididong), Cdiscount.vn (của Big C Việt Nam) đã đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả.

Sau khi những thương hiệu này từ bỏ cuộc chơi, các trang TMĐT tổng hợp tại Việt Nam chỉ còn 4 cái tên đáng chú ý là Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn, Shopee.vn. Tuy nhiên, những cái tên này đều có sự chi phối từ các ông lớn nước ngoài. Trong đó, Alibaba sở hữu Lazada.vn, JD.com là cổ đông lớn của Tiki.vn, Tiki có vốn điều phối từ nhà đầu tư Trung Quốc...

Thứ hai, để có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh, DN phải trường vốn, đây là điểm yếu của các DN trong nước. Bên cạnh vốn đầu tư, các DN nội vẫn yếu thế hơn các nhà cung cấp trực tuyến toàn cầu xét trên nhiều khía cạnh. Làn sóng đầu tư của các đối thủ ngoại vào Việt Nam cho thấy, TMĐT trong tương lai có thể chỉ là sân chơi của những tên tuổi lớn. Nhiều chuyên gia dự đoán, trong tương lai không xa, TMĐT Việt Nam sẽ bị thống lĩnh bởi 2 hoặc 3 công ty chiếm đến 80% thị phần và những công ty nhỏ hơn chỉ còn cách đi vào thị trường ngách. Các DN Việt Nam vẫn chưa đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu thị hiếu khách hàng.

Thứ ba, thách thức về an toàn, an ninh mạng, cho DN và cả người tiêu dùng. An ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMĐT ở Việt Nam là vấn đề nan giải lớn cho các nhà quản lý DN và cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật buộc các DN cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong TMĐT không được thực hiện một số hành vi có thể xâm hại tới quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa có tính khả thi cao nên người tiêu dùng vẫn chịu nhiều thiệt thòi và chưa yên tâm khi mua sắm online.

Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế tại Việt Nam   - Ảnh 2

Thứ tư, số liệu thống kê và báo cáo cũng cho thấy, số lượng người dùng internet mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực. Cụ thể, có 90% người dùng Internet tại Indonesia mua sắm trực tuyến thông qua thiết bị di động, cao nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, con số này tại Việt Nam là 70%, thấp nhất Đông Nam Á. Tại Đông Nam Á, trung bình chỉ có 47% DN áp dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD), trong khi ở Việt Nam có đến hơn 80% DN hỗ trợ phương thức thanh toán COD. Để thanh toán trực tuyến đi vào đời sống, trở thành thói quen của người dùng, cần có sự liên kết của Nhà nước, hệ thống ngân hàng với các DN TMĐT, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến… trong việc thay đổi nhận thức, tạo thói quen của người dùng.

Thứ năm, cơ sở hạ tầng công nghệ chưa tốt không chỉ khiến cho TMĐT của Việt Nam khó cạnh tranh với các quốc gia phát triển khác có thể đối mặt với các sự cố không mong muốn hoặc thách thức về an ninh mạng.

Phần lớn DN Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không phải qua các nhà phân phối trung gian. Các DN TMĐT ở Việt Nam còn chậm đầu tư và ít đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và chăm sóc khách hàng. Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước còn yếu so với nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm quốc nội vẫn lép vế so với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác.

Giải pháp phát triển thương mại điện tử

Để phát triển TMĐT tại Việt Nam, các giải pháp cần tính đến gồm:

Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế tại Việt Nam   - Ảnh 3

Một là, thiết lập môi trường pháp lý phục vụ phát triển TMĐT. Môi trường pháp lý về TMĐT cũng như các ngành khác được hình thành và phát triển từ hệ thống lập pháp của hệ thống chính trị. Khung khổ pháp lý thường xuyên rà soát để có các điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước, cũng như phù hợp với xu hướng công nghệ và luật pháp quốc tế. Các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ thông tin (CNTT) và TMĐT cần được xây dựng, trong đó đặc biệt chú ý đến việc khỗ trợ về chính sách thuế, lãi suất ưu đãi cho vay đối với các DN dịch vụ để thực hiện ứng dụng TMĐT. Các sở, cơ quan ban ngành cần thường xuyên tổ chức các hoạt động thanh tra liên ngành về lĩnh vực TMĐT; tại các địa phương cũng như tổ chức các hoạt động rà soát, kiểm tra hàng năm để nắm vững tình hình phát triển TMĐT trên địa bàn, làm cơ sở cho việc triển khai chính sách và thực thi pháp luật về TMĐT được tốt hơn.

Hai là, phát triển nguồn nhân lực về TMĐT. Qua nghiên cứu cho thấy, nhân lực CNTT và TMĐT chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh còn lại nhân lực TMĐT còn yếu và thiếu, do đó cần đẩy mạnh phát triển nhân lực ở các tỉnh, ở vùng sâu, vùng xa để góp phần thúc đẩy sự phát triển của TMĐT trên diện rộng. Cần tổ chức nhiều khoá đào tạo ngắn hạn, các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo hay nói chuyện chuyên đề ở nhiều cấp khác nhau, nhiều địa phương khác nhau nhằm phổ biến cho mọi người dân, mọi đối tượng và mọi thành phần kinh tế những kiến thức cơ bản nhất về Internet/website và TMĐT. Bên cạnh đó, cần triển khai các chương trình đào tạo về TMĐT ở bậc đại học, cao đẳng trên địa bàn các tỉnh, thành phố để nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân lực TMĐT.

Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử tăng vọt. Năm 2019, cả nước có 39,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 11,8% so với năm 2018 và tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 năm. Giá trị mua sắm trực tuyến bình quân đầu người đạt 202 USD, tăng 8,6%.

Ba là, đẩy mạnh áp dụng các hình thức, phương tiện thanh toán. Xét thực tế ở các DN cho thấy, việc ứng dụng thanh toán điện tử còn nhiều hạn chế trong cả nhận thức, hành động cũng như phương tiện áp dụng. Thói quen dùng tiền mặt vẫn in sâu trong tâm trí của đại đa số người dân, vì thế cho dù công nghệ áp dụng cho việc thanh toán cao đến đâu đi chăng nữa, thì lượng giao dịch thanh toán điện tử vẫn còn hạn chế, tỷ lệ áp dụng thanh toán trực tuyến vẫn chưa cao. Tuyên truyền vận động người dân thanh toán điện tử, sử dụng thẻ tín dụng, ví điện tử… để dần dần làm quen với hình thức thanh toán hiện đại, bỏ thói quen dùng tiền mặt. Xu hướng sử dụng điện thoại thông minh Smartphone càng ngày càng phổ biến trong người dân. Muốn khách hàng sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến thay cho tiền mặt thì phải có các công cụ thanh toán online trên di động, tăng tiện ích, sự thuận lợi và dễ sử dụng thì sẽ tăng được số lượng người dùng.

Bốn là, phát triển lĩnh vực chuyển phát hàng hóa (logistics). Nhà nước nên tăng đầu tư cho bến cảng, hàng không, ga tàu, cảng biển, hệ thống xe khách, xe buýt… thuận tiện cho khách sử dụng; Xây dựng quy hoạch phát triển logistics cho các tỉnh và toàn quốc, gắn kết quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng với quy hoạch phát triển ngành dịch vụ logistics; Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động logistics trên toàn quốc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh logistics của các DN cũng như tạo điều kiện phát triển ngành logistics.

Năm là, nâng cao nhận thức về TMĐT. Đa số DN ở các địa phương hiện nay vẫn chưa tiếp cận và phát triển TMĐT một cách bài bản, phần lớn đều mang tính tự phát nên hiệu quả và khả năng phát huy của TMĐT vẫn còn bị hạn chế. Nhiều DN chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, lợi ích của TMĐT, tiềm năng cũng như hạn chế của TMĐT. Phần lớn DN cho rằng, TMĐT đơn thuần chỉ là các ứng dụng của CNTT, hay TMĐT chỉ là làm website giới thiệu về DN. Hạn chế này đã cản trở rất lớn đến sự phát triển của TMĐT trong những năm vừa qua bởi hầu hết các DN chưa xác định rõ ràng mục đích, mục tiêu và chiến lược phát triển TMĐT cả trong ngắn hạn và dài hạn. Do vậy, DN cần chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về TMĐT, cần lựa chọn những cán bộ đã được đào tạo về CNTT, mạng internet và đặc biệt là có am hiểu về TMĐT; Tổ chức các buổi hội thảo nhằm tuyên truyền về lợi ích của TMĐT để từng bước thay đổi tập quán, tâm lý của người tiêu dùng từ chỗ chỉ quen mua sắm trực tiếp tại các siêu thị, các chợ chuyển sang mua sắm qua mạng...

 

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2019), Bộ Công Thương, Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2019;

2. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2019), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2019, Sách trắng thương mại điện tử 2019;

3. Đặng Văn Mỹ, (2008), Góp phần nghiên cứu chiến lược hiện diện trên web của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại thương mại điện tử, tạp chí khoa học và công nghệ, trường Đại học Đà Nẵng, số 6 (29), 2008, 110-120;

4. Nguyễn Văn Hồng và Nguyễn Văn Thoan (2012), Giáo trình thương mại điện tử, Công ty in Khoa học Công nghệ mới;

5. Nguyễn Văn Toàn (2014), Kinh tế và quản lý chuỗi cung ứng - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Lao động xã hội, 2015;

6. Nguyễn Xuân Thủy (2016), Nghiên cứu phát triển thương mại điện tử trong các doanh nghiệp dịch vụ vùng kinh tế trọng điểm miền trung, Luận án Tiến sĩ quản trị kinh doanh, Đại học Huế.