Thụy Sỹ đồng hành cùng Bộ Tài chính Việt Nam trong cải cách tài chính công
Chiều ngày 5/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có cuộc tiếp ông Ivo Sieber – Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam để trao đổi về những nội dung thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
Chào mừng Đại sứ Thụy Sỹ Ivo Sieber tới thăm và làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam và Thụy sỹ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1971. Trong hơn 50 năm qua, quan hệ hai nước hết sức tốt đẹp và ngày càng phát triển. Quan hệ thương mại hai nước đã đạt 2 tỷ USD/năm, đến nay, đã có 140 công ty hàng đầu của Thụy Sỹ đầu tư có hiệu quả ở Việt Nam và Thụy Sỹ là nhà đầu tư lớn thứ 6 châu Âu tại Việt Nam.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính Việt Nam và Văn phòng hợp tác phát triển của Đại sứ quán Thụy Sĩ (SECO) có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, hiệu quả. Thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), SECO đã hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công tại Việt Nam. Đây là công cụ tốt để Việt Nam quản lý ngân sách ngày càng hiệu quả.
Về bảo hiểm rủi ro thiên tai, các cơ quan của Bộ Tài chính đã được hỗ trợ tư vấn trong các lĩnh vực như: Đánh giá rủi ro thiên tai, đảm bảo ngân sách nhà nước ứng phó với rủi ro thiên tai, phát triển bảo hiểm tài sản rủi ro thiên tai, tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình thuế toàn cầu, từ năm 2019 đến 2021, SECO đã ủy thác hơn 1 triệu USD qua WB để hỗ trợ Bộ Tài chính Việt Nam trong lĩnh vực quản lý thuế, xây dựng chiến lược cải cách hệ thống thuế. Đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng xong Chiến lược và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thông tin khái quát tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với Việt Nam, tuy nhiên, Việt Nam đã nỗ lực triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó. Nhờ đó, GDP năm 2021 của Việt Nam đã đạt 2,58%, thu ngân sách vượt 16,4%, nợ công trong mức cho phép, bội chi ngân sách ở mức 3,41%, thấp hơn mức 4% Quốc hội giao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, GDP của Việt Nam đạt 6,42%, CPI là 2,44%, thu ngân sách nhà nước đạt trên 66%, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được giữ vững.
Trao đổi về các nội dung mong muốn thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, những thách thức sau đại dịch và xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng đến các nước, Việt Nam cũng chịu nhiều thách thức, đặc biệt là lạm phát, giá cả một số hàng hóa, vật tư tăng cao. Đây là thách thức với Việt Nam, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp.
Chia sẻ về cuộc làm việc của Bộ trưởng với các doanh nghiệp Đức và Thụy Sỹ mới đây, Bộ trưởng mong muốn Bộ Tài chính sẽ là cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp Thụy Sỹ đầu tư vào Việt Nam. Với quyết tâm luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan linh động cho nợ thủ tục hải quan để kịp thời thông quan các mặt hàng vật tư y tế, phục vụ phòng, chống dịch.
Trong hiện đại hóa quản lý tài chính công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trao đổi 4 lĩnh vực Bộ Tài chính quan tâm, mong muốn được hỗ trợ. Thứ nhất, đối với lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính mong muốn được hỗ trợ công cụ phân tích rủi ro về hóa đơn điện tử để chống thất thu thuế; vấn đề thu thuế thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới, thu thuế qua mua bán trực tuyến... Thứ hai, đối với lĩnh vực hải quan, hiện nay Việt Nam đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh. Bộ Tài chính mong muốn có công cụ hỗ trợ xác định thu thuế, thông quan nhanh nhất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ ba, đối với lĩnh vực chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán cần công cụ công nghệ thông tin để kiểm soát các giao dịch bất thường, hành vi thao túng giá, rửa tiền trên thị trường chứng khoán. Thứ tư, đối với lĩnh vực kho bạc, Bộ Tài chính mong muốn được hỗ trợ tư vấn về nền tảng kết nối thanh toán qua ngân hàng thương mại với Kho bạc...
Thay mặt Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cảm ơn ngài Đại sứ và phía Thụy Sỹ đã giúp đỡ Việt Nam nói chung và ngành Tài chính nói riêng trong quá trình phát triển.
Cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng, Đại sứ Thụy Sỹ Ivo Sieber cho biết, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã bắt đầu rất sớm và ngày càng tốt đẹp. Đại sứ nhấn mạnh, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục mở rộng và hỗ trợ kinh tế cho Việt Nam, trong đó có hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý tài chính công tiếp tục là ưu tiên hàng đầu.
Với những nền tảng quan hệ tốt đẹp, Đại sứ mong chờ được tiếp đón Bộ trưởng trong chuyến công tác sắp tới của Bộ trưởng đến Thụy Sỹ. Tin tưởng sẽ có nhiều cuộc gặp và thảo luận thú vị, Đại sứ cho rằng, chuyến công tác sẽ là cơ hội để hai bên thảo luận kỹ hơn về hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Cho biết Thụy Sỹ là nền kinh tế mở, Đại sứ vui mừng khi Thụy Sỹ đã thiết lập hợp tác trên nhiều mặt rất thành công với Việt Nam. Liên quan đến hiện đại hóa, cải cách tài chính công, Đại sứ chúc mừng những kết quả Bộ Tài chính Việt Nam đã đạt được. Đại sứ tái khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài chính Việt Nam trong cải cách tài chính công, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển.
Trong vấn đề phát triển của thị trường vốn, Đại sứ cho biết, Thụy Sỹ đã đồng hành hỗ trợ Bộ Tài chính qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Quản trị doanh nghiệp niêm yết, phát triển hạ tầng thị trường vốn, các vấn đề về nâng cao năng lực... Thị trường vốn của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, chú ý của doanh nghiệp nước ngoài là các tập đoàn lớn của Thụy Sỹ muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hiện nay, nhiều đoàn doanh nhân của Thụy Sỹ đã sang Việt Nam tìm hiểu, khảo sát.
Vui mừng trước mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển không chỉ về ngoại giao mà còn là quan hệ hợp tác thương mại, Đại sứ mong muốn mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.