Tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam
Phát triển kinh tế ban đêm là tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được định hướng này, Việt Nam cần có sự đánh giá, nhận diện tiềm năng phát triển, cũng như lường hết những tồn tại, thách thức, yếu tố tác động để từ đó có giải pháp khai thác và phát triển tối đa tiềm năng kinh tế ban đêm trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Hiện có khá nhiều định nghĩa về kinh tế ban đêm (KTBĐ) nhưng phổ biến nhất là chỉ tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17h tối hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm...
Trên thế giới, loại hình kinh tế này đã được các nước đẩy mạnh và phát triển từ rất sớm, nhất là đối với những nước có thế mạnh về du lịch, để tối đa hóa nguồn thu. Tại Việt Nam, khái niệm KTBĐ bắt đầu được chú ý khi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế đêm của các nước để tham khảo kinh nghiệm làm cở sở xây dựng chính sách cho Việt Nam.
Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam. Mục tiêu của đề án là khai thác tiềm năng phát triển KTBĐ nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; Đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch.
Đề án cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm từ 17h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở các thành phố/ trung tâm lớn - nơi có đông khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả và công tác quản lý hoạt động KTBĐ để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động KTBĐ, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.
Như vậy, nội hàm, phạm vi hoạt động của KTBĐ ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 đã được xác định. Quyết định số 1129/QĐ-TTg đã đề ra 5 nhóm giải pháp và 38 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, dưới góc độ chính sách, các giải pháp và nhiệm vụ này mới dừng ở việc nêu vấn đề có tính nguyên tắc.
Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về phát triển KTBĐ ở Việt Nam, để có căn cứ cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg. Bài viết này tập trung xem xét: (i) Tiềm năng phát triển KTBĐ ở Việt Nam; (ii) Nhận diện những yếu tố tác động tới phát triển KTBĐ; (iii) Đề xuất một số giải pháp nhằm giúp Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng của KTBĐ.
Tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm
Đánh giá về tiềm năng phát triển KTBĐ tại Việt Nam cho thấy, có nhiều thuận lợi để phát triển với những ưu thế sau:
Thứ nhất, Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện để phát triển KTBĐ, nhất là du lịch. Tài nguyên du lịch của Việt nam khá đa dạng, phong phú. Theo thống kê, Việt Nam hiện có 28 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận và là điểm đến ưa thích của nhiều du khách quốc tế; Việt Nam có nhiều tiềm năng văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc.
Khảo sát mới đây của Chương trình truyền hình độc quyền Insider Exclusive, trong ngành Du lịch, du lịch di sản được coi là phân khúc phát triển nhanh nhất. Khách du lịch di sản thường tiêu dùng nhiều hơn so với khách du lịch thông thường (khoảng 1.319 USD/chuyến, so với trung bình 820 USD đối với các hình thức du lịch nói chung). Khách du lịch di sản cũng thực hiện nhiều lượt du lịch hơn so với trung bình các hình thức du lịch khác (3,6 chuyến/năm so với 3,4 chuyến/năm). Thống kê của UNESCO cho thấy, ở những nơi có di sản thế giới thường thu hút đông đảo du khách và du khách lưu trú lại lâu hơn 2,5 lần so với các nơi khác.
Thứ hai, những năm gần đây, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2020, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, song mục tiêu này chưa đạt do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng khách du lịch đến châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục duy trì, khi đại dịch Covid-19 được khống chế. Ghi nhận về số lượng du khách trên toàn thế giới, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho biết, đến hết năm 2019, châu Âu tiếp nhận 50,8% lượng khách du lịch toàn cầu, châu Á - Thái Bình Dương tiếp nhận 24,9%, châu Mỹ tiếp nhận 15%, châu Phi tiếp nhận 4,9% và Trung Đông tiếp nhận 4,4%.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố năm 2019, du lịch Việt Nam xếp thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất. Việt Nam cũng được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” năm 2018.
Thứ ba, GDP bình quân đầu người của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, với tốc độ tăng bình quân 8,22%/ năm giai đoạn 2008-2019 (IMF, 2020). So với năm 2008, GDP bình quân đầu người năm 2019 (theo giá thực tế) tăng 2,36 lần (đạt 3.416 USD/người). Bên cạnh đó, thu nhập từ tầng lớp trung lưu liên tục tăng. Trung bình 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu mỗi năm kể từ năm 2014.
Năm 2016, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 13,3% tổng dân số và dự báo sẽ đạt tỷ trọng 25,7% tổng dân số vào năm 2025 và đạt 32,1% vào năm 2030 (WB, 2018). Theo WB, tầng lớp trung lưu theo chuẩn mực quốc tế là những người có mức sống hay chi tiêu trên 15 USD/ngày. Với mức sống từ 15 USD/ngày trở lên, tầng lớp trung lưu đang dành khoản ngân sách lớn và thời gian để giải trí và tận hưởng cuộc sống.
Khảo sát của The Conference Board và Niesel cho thấy, 43% tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng cho mục đích giải trí. Trong đó, tiêu dùng cho giải trí nhiều nhất đến từ bộ phận giới trẻ trung lưu hoặc thuộc các gia đình trung lưu trở lên.
Thứ tư, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong thúc đẩy phát triển đô thị hóa. Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/4/2009 đặt mục tiêu Việt Nam đạt tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 là 50%. Báo cáo của WB (6/2020) nhận định, quá trình đô thị hóa luôn gắn liền với dịch chuyển của người lao động, từ nông thôn đến thành thị; từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và các trung tâm đô thị. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển KTBĐ ở Việt Nam.
Thứ năm, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới Việt Nam và mong muốn thiết lập/gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Vì thế, trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài là nhóm khách hàng quan trọng của KTBĐ, do có nhu cầu giao lưu, tiêu dùng và có khả năng chi tiêu lớn.
Thứ sáu, Việt Nam đang đẩy nhanh tiếp cận các xu hướng, mô hình kinh tế mới/hiện đại như: kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử… Nhu cầu của người dân trở nên linh hoạt hơn và có thể gia tăng đối với KTBĐ. Các doanh nghiệp sẽ phải thích ứng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân, trong đó có cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong khung giờ ban đêm. Theo đó, KTBĐ có thêm động lực phát triển từ cả phía cung và phía cầu.
Yếu tố tác động đến phát triển kinh tế ban đêm
Trong khi các điểm đến trên thế giới thu về nhiều tỷ USD từ việc phát triển KTBĐ, thì hoạt động KTBĐ ở Việt Nam còn khá manh mún, nhỏ lẻ; Nhận thức và tư duy về phát triển KTBĐ còn chưa thống nhất; Tư duy văn hóa và cách quản lý truyền thống về những vấn đề tiêu cực phát sinh từ hoạt động KTBĐ có thể chi phối quá mức đối với tiếp cận chính sách về KTBĐ. Hệ quả là vẫn còn những rào cản, quy định mang tính cấm đoán hoặc gây cản trở loại hình kinh doanh này phát triển.
Việt Nam cũng chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho các hoạt động KTBĐ. Cơ chế chính sách thuế, phí hiện nay đang được áp dụng bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế và không có sự phân biệt giữa hoạt động KTBĐ với kinh tế ban ngày. Các ưu đãi về thuế đều chỉ áp dụng theo 02 tiêu chí, đó là: ưu đãi theo địa bàn (khó khăn và đặc biệt khó khăn) và theo ngành, lĩnh vực.
Một số chính sách tài chính nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 gần đây như: giảm thuế thu nhập; gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; giảm lãi suất cho vay... cũng chưa phân định rõ giữa hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân... kinh doanh ban ngày hay ban đêm.
Việc xây dựng các chương trình/kế hoạch phát triển KTBĐ hay quy hoạch khu vực riêng phát triển KTBĐ cũng chưa được chú trọng ở nhiều địa phương. Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương đã bắt đầu chú ý hơn tới việc chọn lọc, bố trí các khu vực phát triển KTBĐ hợp lý. Tuy nhiên, về tổng thể các địa phương vẫn đang phát triển KTBĐ dựa trên cơ sở hạ tầng hiện có.
Do vậy, khả năng khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển KTBĐ còn hạn chế. Ngay cả ở các địa phương đã xây dựng và ban hành Đề án/kế hoạch phát triển KTBĐ (như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình...) cũng chỉ dừng lại ở việc đưa ra giải pháp về định hướng phát triển một số sản phẩm đêm, quy hoạch không gian phát triển các sản phẩm đêm và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan ở những khu vực phát triển KTBĐ.
Phần lớn các địa phương chưa có cơ chế, chính sách tài chính hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình... tham gia cung cấp các dịch vụ ban đêm. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ của địa phương chủ yếu là: Đẩy mạnh việc triển khai các dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực quy hoạch phát triển KTBĐ; Triển khai hệ thống chiếu sáng đặc sắc hơn; hỗ trợ các hộ kinh doanh tại phố đi bộ đêm tiếp cận các quầy/gian hàng không thu tiền sử dụng (trong một thời gian nhất định) hoặc miễn các loại phí, lệ phí.
Việc tiếp cận dịch vụ công cộng (như: xe bus, nhà vệ sinh công cộng...) cũng chưa thuận lợi và chưa có cơ chế kiểm soát rủi ro hoạt động KTBĐ bài bản. Ở nhiều nước có phát triển KTBĐ, phương pháp phổ biến mà các nước áp dụng để kiểm soát rủi ro là lắp đặt hệ thống camera an ninh ở trong và xung quanh khu vực quy hoạch có hoạt động KTBĐ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc lắp đặt hệ thống giám sát camera nhìn chung chưa được chú trọng; Việc đảm bảo trật tự ở khu vực hoạt động KTBĐ mới dừng lại ở các tổ tuần tra ban đêm. Một số khu vực, địa điểm du lịch lớn cũng có lắp đặt hệ thống camera an ninh song không hoàn toàn phục vụ cho việc giám sát hoạt động KTBĐ.
Khơi thông tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm
Qua nghiên cứu thực tiễn, nhóm tác giả khuyến nghị, để phát triển KTBĐ, cần thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động KTBĐ lành mạnh ở địa phương. Các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương cần được chú trọng phát triển để khuyến khích khách hàng trải nghiệm và chi tiêu nhiều hơn.
Chính sách phát triển KTBĐ cần xây dựng trên các nguyên tắc đảm bảo giải quyết tốt mối quan hệ sau: (i) Giữa bảo tồn giá trị truyền thống (gìn giữ giá trị di sản, văn hóa, di tích, cảnh quan thiên nhiên...) và tạo cho thành phố/trung tâm du lịch sôi động, nhộn nhịp, hấp dẫn về đêm; (ii) Cân bằng lợi ích giữa các chủ thể có liên quan (giữa nhu cầu vui chơi của khách du lịch và nhu cầu nghỉ ngơi của người dân); (iii) Giữa đa dạng hóa hoạt động KTBĐ, cung cấp nhiều dịch vụ về đêm; (iv) Giữa phát triển KTBĐ, khuyến khích người dân địa phương tham gia hoạt động về đêm và đảm bảo điều kiện sức khỏe cho người dân địa phương tham gia hoạt động ban ngày.
Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức về phạm vi và vai trò quan trọng của KTBĐ bắt đầu từ việc xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của KTBĐ, định kiến về hoạt động của các vũ trường, nhà hàng, các quán karaoke, cũng như các điểm vui chơi giải trí về đêm. Tư duy “mở” hơn về một số hoạt động giải trí trước nay được coi là “nhạy cảm”. Tư duy “mở” ở đây là cần nhìn nhận dựa trên thực tiễn và xu hướng phát triển.
Ngoài ra, cần rà soát, hoàn thiện chính sách và tạo hành lang pháp lý thống nhất về phát triển KTBĐ. Khung pháp lý về KTBĐ cần quy định về: loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động; chính sách về giao thông; chính sách về an ninh, trật tự; chính sách khuyến khích, hỗ trợ thương nhân, người tiêu dùng, khách du lịch tham gia hoạt động KTBĐ. Đồng thời, quy định và phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động KTBĐ trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Ở cấp địa phương, căn cứ tình hình, đặc thù và nhu cầu phát triển, các địa phương chủ động rà soát chính sách liên quan đến phát triển KTBĐ; đồng thời, tháo gỡ, hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển KTBĐ. Đặc biệt, trong giai đoạn thí điểm phát triển KTBĐ ở một số địa phương/khu vực, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để xây dựng các chính sách về tài chính, chính sách ưu đãi miễn, giảm tiền điện, nước, dịch vụ môi trường, tiếp cận tín dụng... phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tham gia hoạt động KTBĐ. Qua đó, tạo môi trường hấp dẫn để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp, tổ chức và hộ gia đình.
Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của khách du lịch (cả trong và ngoài nước) là vấn đề an toàn, nhất là vấn đề đảm bảo sức khỏe, do vậy, cần tạo môi trường du lịch và dịch vụ bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng du lịch và dịch vụ cũng có thay đổi, đó là chuyển từ hình thức chi trả tiền mặt sang thanh toán thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh. Theo đó, các thành phố/khu du lịch cần chuẩn bị tốt cả cơ sở hạ tầng dịch vụ tài chính để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới...
Các địa phương có tiềm năng phát triển KTBĐ cũng cần nghiên cứu thành lập cơ quan/tổ chức có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ phát triển KTBĐ. Những người làm việc trong cơ quan/tổ chức cần phải có kinh nghiệm để thực hiện quản lý các doanh nghiệp hoạt động về đêm.
Như vậy, phát triển KTBĐ là xu hướng mà tất cả các nền kinh tế phát triển đều đang hướng tới và hứa hẹn là động lực mới cho Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế quyết liệt, các quốc gia đều phải nỗ lực tìm kiếm và tạo lập lợi thế cạnh tranh mới. Việc tận dụng, nắm bắt cơ hội từ các mô hình kinh tế mới, trong đó có KTBĐ sẽ là yếu tố giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh dài hạn ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”;
- Trần Thị Thu Hương (2020), “Bài toán kinh tế ban đêm: Thận trọng, nhưng không còn e dè”, https://baodautu.vn/bai-toan-kinh-te-ban-dem-than- trong-nhung-khong-con-e-de-d126897.html;
- Văn Kỳ (2020), “Cần thiết xây dựng kinh tế đêm ở thành phố Nha Trang”, https://wbaokhanhhoa.vn/du-lich/202010/can-thiet-xay-dung-kinh- te-dem-o-thanh-pho-nha-trang-8188749/’
- WB (2018), “Climbing the ladder: poverty reduction and shared prosperity in Vietnam”, World Bank, Washington, DC;
- WB (2020), “Vietnam’s urbanisation at a crossroads: Embarking on an efficient, inclusive, and resilient pathway”, World Bank, Washington,