Thúc đẩy thực thi chính sách để nắm bắt cuộc cách mạng 4.0:
Tiền đề phát triển kinh tế số
Ngày 26/7 tại Hà Nội, Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) tổ chức hội thảo chuyên đề kinh tế số “Thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà nắm bắt cách mạng công nghệ 4.0”.
Kinh tế số là xu hướng toàn cầu
Chủ tịch Nhóm Công tác Kinh tế số của VPSF Nguyễn Trung Chính cho biết, năm 2016, nền kinh tế số của toàn thế giới có trị giá 3 nghìn tỷ USD, của khu vực ASEAN là 150 tỷ USD, đóng góp 6% GDP. Dự báo đến năm 2020, kinh tế số có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 17%.
Ở Việt Nam, kinh tế số đã “len lỏi” vào khắp các lĩnh vực đời sống xã hội như giao thông, giáo dục, y tế… Thương mại điện tử đang đạt 900 triệu USD, tăng 50% so với năm 2015. Quy mô quảng cáo trực tuyến đang tăng rất nhanh, trong đó, năm 2016 đạt 390 triệu USD, ước tính đến năm 2020 sẽ tăng gấp 3 lần.
Đáng chú ý, số lượng người sử dụng internet rất lớn, trên 60 triệu người. Điều này cho thấy người Việt thuộc nhóm ưa thích công nghệ, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới. Đây được coi là yếu tố rất quan trọng và là tiền đề để xác định đủ điều kiện để phát triển kinh tế số.
Đặc biệt, tốc độ phát triển kinh tế số thể hiện qua việc có đến 200 thành phố trên toàn thế giới có kế hoạch xây dựng thành phố thông minh. Năm 2020, tổng thị trường thành phố thông minh toàn cầu ước đạt 1,5 nghìn tỷ USD, chiếm 38% tỷ trọng của kinh tế số toàn cầu, tập trung chính ở các lĩnh vực chính phủ điện tử, năng lượng thông minh và sức khỏe.
Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng gần 800 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 23% năm 1999 lên mức 35,7% năm 2015. Tuy vậy, hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp đà phát triển của đô thị, xuống cấp nhanh dẫn đến những hậu quả như tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng nước thải, nước mưa, rác thải ô nhiễm môi trường.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Để xây dựng nền kinh tế số, theo ông Chính, phải đẩy mạnh hoạt động kinh tế - xã hội; tạo cầu cho kinh tế số bằng việc thúc đẩy mạnh việc triển khai các nghị quyết thúc đẩy xây dựng thành phố thông minh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng phát triển công nghệ thông tin.
Tổng Giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cho rằng, cần phải tạo môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế, nhất là việc ứng xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án công nghệ thông tin trong lĩnh vực sử dụng vốn nhà nước.
Ông Ngọc cho rằng, không nên phân biệt các thành phần kinh tế khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công. Hiện nay, có một số dự án đang hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, hay việc trợ giá từ một số doanh nghiệp nhà nước.
Trong lĩnh vực của mình, ông Ngọc cho biết, các doanh nghiệp viễn thông đang phải đóng phí thương quyền (0,5% doanh thu) và phí viễn thông công ích (1,5% doanh thu). Với doanh nghiệp, tình trạng “một cổ hai tròng” lên tới 2% doanh thu như vậy quá lớn.
Trong khi đó, internet là hạ tầng kết nối của nền kinh tế số, gắn với sự phát triển của cuộc sống văn hóa, kinh tế, kỹ thuật… nên cần được khuyến khích, hỗ trợ thay vì bắt nộp thêm phí.
Xuất phát từ bất cập nêu trên, ông Ngọc kiến nghị, cần bỏ phí viễn thông công ích. Đồng thời, thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Liên quan đến Nghị định 102, đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất sửa đổi vì thực tế triển khai có rất nhiều bất cập. Chẳng hạn, phải mất ít nhất 2 năm để lập dự án, có dự án 3 năm vẫn chưa lập xong. Hoặc nghị định quy định tỷ trọng phần cứng là 85%, 15% là phần mềm, dịch vụ trong khi “phần hồn” của công nghệ thông tin là phần mềm và dịch vụ.
Do vậy, những người làm phần mềm không có dự án nên bỏ sang nghề khác hoặc chuyển sang doanh nghiệp khác và ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội. Nghị định cũng dẫn tới việc các chủ đầu tư “lách” các quy định, hoặc xé nhỏ dự án.