Tiền gửi của doanh nghiệp ở ngân hàng sụt giảm hơn 54.000 tỷ
Việc tiền gửi của doanh nghiệp sụt giảm khá mạnh đã khiến cho tổng huy động tiền gửi của tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 4 chỉ tăng 2,69% so với đầu năm, đạt hơn 7,92 triệu tỷ đồng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến cuối tháng 4/2019, tổng phương tiện thanh toán (bao gồm tiền mặt ngoài xã hội và tiền gửi tại hệ thống TCTD) tăng 3,63% so với đầu năm đạt 9,5 triệu tỷ đồng. Kế hoạch năm nay, NHNN dự kiến tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Trong đó, tổng số tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế chỉ tăng 2,69% trong 4 tháng đầu năm, đạt hơn 7,92 triệu tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong 4 tháng đầu năm, tổng số tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống TCTD giảm 1,62% tương đương với mức giảm hơn 54.200 tỷ đồng xuống còn 3,29 triệu tỷ. Tiền gửi của dân cư vẫn tăng 5,98% đạt 4,64 triệu tỷ.
Trên thực tế, trong khi tiền gửi của dân dư tăng trưởng ổn định thì việc tiền gửi của các TCKT sụt giảm trong thời gian ngắn không phải là chuyện hiếm. Dẫu vậy, tiền gửi của các doanh nghiệp tại ngân hàng thường chỉ sụt giảm trong một vài tháng đầu năm khi họ rút tiền để trả lương, thưởng cho nhân viên và phục vụ cho các hoạt động kinh doanh mang tính chất mùa vụ.
Việc tiền gửi của nhóm khách hàng này liên tục sụt giảm trong 4 tháng đầu năm đã khiến cho hoạt động huy động vốn của các ngân hàng trở nên khó khăn hơn bởi tiền gửi của các TCKT đang chiếm hơn 40% tổng tiền gửi.
Trong khi nguồn vốn huy động tiền gửi tăng khá chậm thì dư nợ tín dụng của các TCTD với nền kinh tế 4 tháng đầu năm tăng mạnh hơn, với 4,46%.
Theo cập nhật mới đây của NHNN, trong 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng 7,33% so với đầu năm, cao hơn một chút so với mức tăng năm ngoái. Đây là con số khá bất ngờ bởi trước đó, đến 10/6 tín dụng hoàn hệ thống mới chỉ tăng 5,75%; đến ngày 18/6 là 6,22%.
Việc tín dụng tăng trưởng khá tốt trong 6 tháng đầu năm sẽ đặt ra nhiều áp lực huy động vốn đầu vào cho các ngân hàng. Đến thời điểm này, NHNN chưa công bố con số tăng trưởng tống phương tiện thanh toán và huy động vốn trong 6 tháng đầu năm (số liệu đến 10/6 là tổng phương tiện thanh toán tăng 5,17%).
Tuy nhiên, theo quan sát, áp lực huy động vẫn còn hiện hữu khi lãi suất tiền gửi vẫn duy trì ở mức cao, các ngân hàng đổ xô huy động vốn bằng phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi trong thời gian qua.