Báo cáo tài chính nhà nước:

Tiếp tục được hoàn thiện để thực hiện năm ngân sách 2018

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Ngày 26/10 vừa qua, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức Hội thảo dự thảo Nghị định về Báo cáo Tài chính nhà nước.

Dự thảo Nghị định quy định theo hướng công khai các thông tin chủ yếu trong BCTCNN liên quan đến tài sản, công nợ, nguồn vốn, kết quả hoạt động và lưu chuyển tiền tệ của Nhà nước.
Dự thảo Nghị định quy định theo hướng công khai các thông tin chủ yếu trong BCTCNN liên quan đến tài sản, công nợ, nguồn vốn, kết quả hoạt động và lưu chuyển tiền tệ của Nhà nước.

Tại đây, dự thảo Nghị định báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) chính thức được giới thiệu. Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN), dự thảo được xây dựng phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước. 

Các thông tin trong báo cáo sẽ phù hợp với thực tế tại Việt Nam

Ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Giám đốc KBNN cho biết, dự thảo Nghị định được xây dựng căn cứ vào hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Kế toán năm 2015 và luật khác có liên quan. Đồng thời, kế thừa và phát triển những mặt tích cực trong công tác kế toán nhà nước.

Do đó, theo quy định của Luật Kế toán, BCTCNN được lập và trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng với thời điểm quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của Luật NSNN. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, Bộ Tài chính đã xây dựng thời hạn của BCTCNN phù hợp với thời hạn lập và nộp báo cáo quyết toán NSNN của các đơn vị kế toán theo quy định hiện nay để đảm bảo tính khả thi.

Cụ thể, đối với BCTCNN tỉnh, KBNN tỉnh lập BCTCNN tỉnh trình lên UBND tỉnh chậm nhất 8 tháng sau khi kết thúc năm tài chính. Đồng thời, gửi BCTCNN tỉnh và báo cáo bổ sung thông tin tài chính cho KBNN. UBND tỉnh báo cáo trước Hội đồng nhân dân chậm nhất là 12 tháng sau khi kết thúc năm tài chính.

Đối với BCTCNN toàn quốc, KBNN lập báo cáo trình lên Chính phủ chậm nhất 14 tháng sau khi kết thúc năm tài chính. Chính phủ báo cáo Quốc hội chậm nhất là 18 tháng sau khi kết thúc năm tài chính.

Đặc biệt, ông Hà cho biết, việc công khai thông tin tài chính là rất quan trọng, theo kinh nghiệm các nước hiện nay, toàn bộ thông tin trên báo cáo tài chính Chính phủ được công khai trên các ấn phẩm và mạng Internet. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế tại Việt Nam hiện nay mới đang bắt đầu triển khai thực hiện lập BCTCNN, việc công khai toàn bộ thông tin trên báo cáo có thể là chưa phù hợp. Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định theo hướng công khai các thông tin chủ yếu trong BCTCNN liên quan đến tài sản, công nợ, nguồn vốn, kết quả hoạt động và lưu chuyển tiền tệ của Nhà nước.

Ngoài ra, để việc tổng hợp BCTCNN được đầy đủ, kịp thời và phù hợp phụ thuộc rất nhiều vào việc cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị thuộc các lĩnh vực khác nhau thuộc các cấp ngân sách. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, đảm bảo cho KBNN có đầy đủ thông tin lập BCTCNN theo yêu cầu, dự thảo Nghị định cũng đã xây dựng theo hướng, quy định các cơ quan, đơn vị thuộc các đối tượng cung cấp thông tin theo từng cấp ngân sách có trách nhiệm lập các báo cáo cần thiết để gửi cho KBNN đồng cấp. Điều này cũng góp phần tăng cường tính khả thi, nâng cao chất lượng và đảm bảo tính kịp thời của thông tin báo cáo.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định cụ thể về thời hạn lập và gửi báo cáo của các đơn vị cho KBNN các cấp. Theo đó, ngân sách và tài chính xã, đơn vị cấp huyện sẽ là trước ngày 30/4 của năm tài chính tiếp theo. KBNN huyện, đơn vị cấp tỉnh sẽ là trước ngày 30/6 của năm tài chính tiếp theo. Và KBNN tỉnh, đơn vị cấp Trung ương phải trước ngày 31/8 của năm tài chính tiếp theo.

Kho bạc Nhà nước nỗ lực cho nhiệm vụ mới

Ông Nguyễn Hồng Hà  cho biết, KBNN và các đơn vị KBNN trực thuộc thực hiện nhiệm vụ lập BCTCNN theo quy định của Quyết định số 26/2015/QĐ- TTg ngày 8/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN. Theo đó, KBNN có trách nhiệm: Tiếp nhận thông tin báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán nhà nước theo quy định của pháp luật; tổ chức tổng hợp thông tin tài chính nhà nước về tình hình tài sản nhà nước, nguồn lực và nghĩa vụ của Nhà nước, tình hình hoạt động, kết quả thu chi NSNN, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và các tài sản, nguồn lực, nghĩa vụ khác của Nhà nước; lập BCTCNN của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Để triển khai nhiệm vụ này, Vụ Kế toán Nhà nước (KBNN) đã được chuyển đổi thành Cục Kế toán Nhà nước, trong đó có Phòng Tổng hợp BCTCNN. Như vậy, hiện nay, tại cơ quan KBNN, bộ phận thực hiện chức năng Tổng Kế toán Nhà nước đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Tại KBNN tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã về cơ bản không thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy. Phòng, bộ phận Kế toán Nhà nước sẽ được bổ sung nhiệm vụ thực hiện chức năng Tổng kế toán Nhà nước để phục vụ cho việc lập BCTCNN đầu tiên vào năm 2019.

Đối với hình thức gửi báo cáo tài chính để lập BCTCNN, các đơn vị sử dụng ngân sách có thể lựa chọn hình thức gửi báo cáo cho KBNN qua Cổng Thông tin điện tử của kho bạc. Khi đó, nếu đơn vị thực hiện chữ ký số sẽ không phải gửi báo cáo trên giấy. Như vậy, việc các đơn vị gửi báo cáo cho KBNN sẽ giúp cho KBNN thu thập và xử lý thông tin báo cáo được nhanh chóng, chính xác.

Đối với các địa phương, đơn vị, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, sẽ được áp dụng theo lộ trình phù hợp, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ về các điều kiện khác để đảm bảo việc gửi báo cáo cho KBNN được thực hiện tốt nhất.

Với việc hoàn thành dự thảo Nghị định về BCTCNN cùng với những bước chuẩn bị nhất định về tổ chức bộ máy cũng như sẽ phải xây dựng hệ thống thông tin để tiếp nhận báo cáo của các đơn vị, tổng hợp và xây dựng BCTCNN, có thể thấy, KBNN đã và đang rất nỗ lực cho một nhiệm vụ mới - nhiệm vụ báo cáo “sức khỏe” tài chính của toàn đất nước như cách nói của Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hà.