Tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài chính và IMF

Hân Nguyễn

Sáng 12/6/2023, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã tiếp và làm việc với ông Francois Painchaud - Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc 

Tham dự buổi làm việc còn có ông Jochen Schmittmann – Phó Giám đốc Văn phòng IMF OPA tại Nhật bản (Trưởng Đại diện của IMF tại Việt Nam từ tháng 8/2023).

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ vui mừng chào đón ông Francois Painchaud cùng đoàn công tác IMF đã tới thăm và làm việc tại Bộ Tài chính Việt Nam. Đồng thời, Bộ trưởng chúc mừng ông Jochen Schmittmann – Phó Giám đốc Văn phòng IMF OPA tại Nhật Bản sẽ đảm nhiệm chức vụ mới là Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 8 tới đây (thay ông Francois Painchaud).

Bộ trưởng cho biết, IMF là đối tác quan trọng đối với Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng. Bộ Tài chính ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả của IMF trong thời gian qua.

Thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, năm 2022, kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu lớn mặc dù vừa trải qua 2 năm đại dịch, tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, đây là mức tăng trưởng cao. Sang đến năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm tương đối khó khăn, CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 9,8 tỷ USD...

Ông Francois Painchaud - Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam phát biểu cảm ơn Bộ Tài chính đã tiếp đón chu đáo.
Ông Francois Painchaud - Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam phát biểu cảm ơn Bộ Tài chính đã tiếp đón chu đáo.

Theo Bộ trưởng, từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn có những khó khăn, thách thức, do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung vào điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ứng phó kịp thời với những diễn biến thực tiễn, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Thông tin về định hướng điều hành chính sách tài khóa trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Thủ tưởng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó đặt ra các mục tiêu như sau: Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 bình quân không thấp hơn 16% GDP và giai đoạn 2026-2030 khoảng 16-17% GDP; Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước đến năm 2025 khoảng 85-86%, đến năm 2030 khoảng 86-87%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP; Trần nợ công hàng năm, giai đoạn 2021-2025 không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của các quốc gia không quá 50% GDP...

Để thực hiện được những mục tiêu trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị phía IMF tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tư vấn chính sách đối với Bộ thông qua các đoàn giám sát kinh tế vĩ mô, cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật để cải cách quản lý tài chính công, nâng cao năng lực cho cán bộ của Bộ Tài chính.

Quang cảnh cuộc làm việc.
Quang cảnh cuộc làm việc.

Về hỗ trợ kỹ thuật, Bộ trưởng đề nghị IMF tiếp tục cung cấp tài liệu, kinh nghiệm quốc tế, tư vấn chính sách về một số nội dung như chi chuyển nguồn; chế độ quản lý nguồn thu từ đất đai; cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng chính sách thuế tài sản; quản lý thuế; quản lý nợ công; quản lý thị trường chứng khoán, cổ phiếu; quản lý trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ...

Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị IMF đặc biệt quan tâm, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng trong việc triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu...

Tại cuộc làm việc, ông Francois Painchaud - Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam cảm ơn Bộ Tài chính và cá nhân Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã dành thời gian đón tiếp chu đáo ông cùng đoàn công tác của IMF.

“Hiện nay, liên quan đến vấn đề quản lý nợ công, hoàn thuế giá trị gia tăng và chống gian lận thuế, phía IMF đã, đang có những chương trình hỗ trợ kỹ thuật Bộ Tài chính Việt Nam đối với các lĩnh vực này. Với đề nghị của Bộ trưởng, chúng tôi sẽ tiếp tục lưu ý, trao đổi với các chuyên gia của IMF để đẩy mạnh hỗ trợ hơn nữa trong thời gian tới”, ông Francois Painchaud khẳng định. Đồng thời, ông Francois Painchaud đề cập thêm, IMF sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ hoặc phối hợp với các bên có thế mạnh để hỗ trợ kỹ thuật đối với Bộ Tài chính Việt Nam trong vấn đề quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tiếp lời của ông Francois Painchaud, ông Jochen Schmittmann khẳng định, trong thời gian công tác chính thức tại Việt Nam từ tháng 8 tới, ông Jochen Schmittmann sẽ tiếp tục có những đóng góp nhằm nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ cộng tác giữa IMF với Bộ Tài chính ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Ông Jochen Schmittmann (Trưởng Đại diện của IMF tại Việt Nam từ tháng 8/2023) phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Jochen Schmittmann (Trưởng Đại diện của IMF tại Việt Nam từ tháng 8/2023) phát biểu tại buổi làm việc.

Kết thúc cuộc làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao những đóng góp của cá nhân ông Francois Painchaud - Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam trong nhiệm kỳ 03 năm vừa qua đã giúp mối quan hệ hợp tác giữa IMF và Bộ Tài chính Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực. Chúc Ông sẽ hoàn thành xuất nhiệm vụ trên cương vị mới và tiếp tục có những đóng góp để thúc đẩy quan hệ giữa IMF với Bộ Tài chính nói riêng và Việt Nam nói chung!".

Đồng thời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ tin tưởng, dưới sự chỉ đạo của ông Jochen Schmittmann – Tân Trưởng Đại diện IMF Việt Nam, mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển hơn trong thời gian tới.