Tiếp tục nhập siêu gần 700 triệu USD trong nửa đầu tháng 7
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính trong nửa đầu tháng 7/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,504 tỷ USD và trị giá nhập khẩu đạt 11,183 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại trong 15 ngày đầu tháng 7 của nước ta đã nhập siêu gần 700 triệu USD.
Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 7, các nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,717 tỷ USD; dệt may đạt 1,55 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,421 tỷ USD... Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 133 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương con số tăng thêm hơn 9,8 tỷ USD.
Trước đó, tính đến hết tháng 6/2019, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 120,94 tỷ USD, tăng 8,9%, tương ứng tăng 9,88 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018; Tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 122,53 tỷ USD, tăng 7,2%, tương ứng tăng 8,21 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Con số đạt được đã đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 lên 1,59 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2019 có nhiều biến động khó lường. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng từ 8 -10% Chính phủ giao cho ngành Công Thương (tương đương 263 tỷ USD), xuất khẩu 6 tháng cuối năm phải đạt bình quân 23 – 23,4 tỷ USD/tháng.
Nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm là rất khó khăn, bởi theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lần xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang suy giảm như hiện nay, cuộc đối đầu về thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiện giảm, đây là những rào cản cho việc tăng tốc xuất khẩu Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2019.
Tuy vậy, với những nỗ lực trong việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, yếu tố mùa vụ, xuất khẩu nhiều ngành hàng như: dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ… sẽ tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm do bước vào giai đoạn xuất khẩu cao điểm, nhu cầu hàng hóa phục vụ các ngày lễ tết cuối năm tăng cao.
Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường trên thế giới. Nhập khẩu các nguyên phụ liệu đầu vào những tháng qua tiếp tục tăng cho thấy hoạt động sản xuất và các đơn hàng tiếp tục diễn biến khả quan.
Đặc biệt, hiện Việt Nam đã kí kết 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có cả những FTA thế hệ mới. Đây là một kết quả tốt đẹp sau 9 năm đàm phán liên tục. Điều này giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo động lực mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.