Tiêu chuẩn ISO: Đạt rồi không có nghĩa là xong
Nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng lưu ý, khi đạt được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO, doanh nghiệp phải thực hiện như những gì đề ra, đúng với quy trình ban hành, tránh tình trạng bị rút giấy chứng nhận.
Áp dụng ISO giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế
Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đưa ra các tiêu chuẩn chung về quản lý công nghiệp và thương mại trên toàn cầu, thúc đẩy phát triển về vấn đề tiêu chuẩn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ quốc tế.
Hiện nay, ISO có rất nhiều bộ tiêu chuẩn khác nhau và tiêu chuẩn ISO 9001 là một trong những tiêu chuẩn thường gặp nhất.
Tiêu chuẩn ISO giúp hệ thống hóa các quy trình, phát hiện ra các bất cập của hệ thống quản lý nhằm sửa chữa, bổ sung và thay đổi kịp thời. Khi áp dụng ISO, từng cá nhân, phòng ban trong doanh nghiệp phải hiểu rõ vị trí của mình và làm việc theo đúng bộ thủ tục, quy trình nào.
Ví dụ, khi cần tìm một tài liệu, hợp đồng hay đơn hàng, thay vì không biết rõ nó nằm ở vị trí nào hay nó có được lưu không thì khi áp dụng ISO sẽ biết chính xác tài liệu đó năm ở đâu, lưu trữ như thế nào để lấy ra một cách chính xác. Tất cả phải có sự cụ thể, ghi lại thời gian và lưu trữ theo đúng quy trình đã đề ra.
Khi phát hiện ra sự sai sót trong quy trình, phải có sự điều chỉnh, khắc phục và phòng ngừa để quy trình làm việc được hoàn thiện hơn; tạo một hệ thống bài bản và chuyên nghiệp.
Làm việc theo tiêu chuẩn ISO một cách rõ ràng, làm đúng với những gì đã đề ra thì khi xảy ra sự cố cách khắc phục cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn, tạo được uy tín cho doanh nghiệp và niềm tin cho khách hàng.
Việc lựa chọn và áp dụng ISO giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế và sức cạnh tranh. Vì khi đã được chứng nhận ISO thì doanh nghiệp cũng đã được công nhận về sự chuyên nghiệp trong công tác quản lý, vận hành.
Bằng việc đưa ra các định hướng và căn cứ vào định hướng đế kiểm soát quá trình thực hiện công việc để đảm bảo rằng công việc thực hiện cũng như sản phẩm tạo ra phải đáp ứng yêu cầu, từ đó thỏa mãn yêu cầu của khách hàng.
Xây dựng hệ thống quản lý ISO cho doanh nghiệp giúp nhà lãnh đạo quản lý hoạt của doanh nghiệp một cách khoa học và hiệu quả nhất, có kế hoạch mục tiêu rõ ràng để phát triển .
Trong công việc, hạn chế được sai sót, đưa ra được cách xử lý hợp lý và kịp thời, khắc phục và cải tiến được chất lượng công việc thông qua những công cụ kiểm soát ở trong hệ thống quản lý ISO.
Đồng thời thông qua quy trình làm việc, xây dựng nên tính tự giác, sự ý thức và tình thần làm việc chuyên nghiệp cho nhân viên, qua đó đánh giá hợp lý nguồn lực.
Đạt rồi không có nghĩa là xong!
Trên thực tế, để hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển lâu dài và bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc đạt được chứng chỉ ISO là rất cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Với quy trình quản lý đạt tiêu chuẩn theo quốc tế, kiểm soát tài liệu hồ sơ chặt chẽ…, ISO ngày càng được nhiều doanh nghiệp xây dựng và áp dụng.
Nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng lưu ý, khi doanh nghiệp đạt được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO, doanh nghiệp phải thực hiện như những gì đề ra, đúng với quy trình ban hành.
Tổ chức chứng nhận ISO sẽ quay lại đánh giá doanh nghiệp theo thời gian 2 năm 1 lần để kiểm tra việc áp dụng ISO đối với từng cá nhân, phòng ban xem họ hiểu và làm việc thế nào trong việc áp dụng ISO trong công việc mà họ phụ trách. Nếu không đạt, tổ chức ISO sẽ rút lại giấy chứng nhận.
Trong xu thế toàn cầu hóa kinh thế, việc một tổ chức, doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn ISO như một cánh của mở ra nhiều cơ hội để phát triển và khẳng định vị thế của mình ra ngoài thị trường.
Ngược lại, nếu đã đạt được tiêu chuẩn mà không cố gắng duy trì, thậm chí để xảy ra tình trạng bị rút lại giấy chứng nhận sẽ gây ra nhiều bất lợi không đáng có cho doanh nghiệp. Đây là điều lãnh đạo các doanh nghiệp phải hết sức lưu ý.