Tiêu dùng xanh - Xu hướng tất yếu
Theo nhận định của các chuyên gia, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu của người dân. Bởi hiện nay, người dân đã và đang ý thức được tầm quan trọng của việc sống xanh, tiêu dùng xanh và bảo vệ môi trường.
Khi xã hội phát triển, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường cũng ngày càng được nâng lên. Không chỉ người dân, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội... cũng đang tích cực đẩy mạnh sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững hướng đến bảo vệ môi trường.
Theo khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh đó, sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường.
Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng.
Theo ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, thời gian qua, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.
Đặc biệt, nhấn mạnh việc thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, khuyến khích phát triển nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường; có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2023, trong đó bổ sung quy định, chính sách về thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững vẫn còn một số hạn chế về sản xuất, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường đến với người tiêu dùng về duy trì thói quen, hành vi tiêu dùng bền vững từ người tiêu dùng...
"Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một quá trình lâu dài, cần nhiều hơn nữa hoạt động trao đổi, chia sẻ để thường xuyên thu hút được sự quan tâm của xã hội, từ đó, kêu gọi cùng nhau thực hiện các thay đổi để hướng tới hiệu quả của sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Đây cũng là quá trình đòi hỏi sự tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội; trong đó, người tiêu dùng là nhân tố đóng vai trò quyết định, vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là động lực, là mục tiêu để các chủ thể khác hướng tới", ông Lê Triệu Dũng cho biết.
Tại TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2023 đã có nhiều chương trình nhằm thúc đẩy tiêu dùng xanh nhằm góp phần thực hiện kế hoạch triển khai “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”.
Vào tháng 6 vừa qua, Liên Hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức Chiến dịch Tiêu dùng Xanh lần thứ 14 năm 2023.
Chiến dịch Tiêu Dùng Xanh là hoạt động do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Saigon Co.op tổ chức vào tháng 6 hằng năm.
Theo đó, mục tiêu của chiến dịch nhằm vận động cộng đồng ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường với quy mô lớn nhất và duy nhất trên cả nước. Từ đó, thiết lập thói quen tiêu dùng mới trong xã hội - tiêu dùng có lợi cho môi trường.
Hay vào tháng 11/2023 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn Mekong Connect 2023 có chủ đề "Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững", được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với sự chủ trì của UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho hay: "Tôi hy vọng Diễn đàn Mekong Connect năm 2023 tiếp tục là cầu nối, là kênh tiếp xúc giữa chính quyền các tỉnh, thành phố; giữa doanh nghiệp và chính quyền; giữa các chuyên gia khoa học và chính quyền… với mong muốn chung là thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phát triển kinh tế xanh và bền vững".