Tìm vốn ngoại không dễ
Chiến lược đầu tư của các định chế tài chính nước ngoài đã có sự thay đổi, họ không muốn mua lại cổ phần của ngân hàng nhỏ để phát triển nữa, thay vào đó nhà đầu tư ngoại muốn xin thành lập ngân hàng mới tại Việt Nam.
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã trải qua cuộc tái cơ cấu toàn diện và không ít ngân hàng nhỏ yếu kém phải đối mặt với làn sóng mua bán sáp nhập (M&A).
Trong đó, ngoài một số ngân hàng phải sáp nhập, Ngân hàng Nhà nước phải vào hỗ trợ bằng việc mua lại với giá “0 đồng”, rất nhiều ngân hàng vẫn bám theo mục tiêu bán 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để được tái cơ cấu, hồi sinh. Nhưng trong xu thế thay đổi chiến lược đầu tư của khối ngoại, việc đàm phán kêu gọi vốn của ngân hàng nội đang ngày càng khó khăn hơn.
Thực tế, trong 2 năm trở lại đây, chiến lược đầu tư của các định chế tài chính nước ngoài đã có sự thay đổi, họ không muốn mua lại cổ phần của ngân hàng nhỏ để phát triển nữa, thay vào đó nhà đầu tư ngoại muốn xin thành lập ngân hàng mới tại Việt Nam.
Minh chứng rõ nét cho điều này là thời gian qua, rất nhiều ngân hàng ngoại mua cổ phần ngân hàng trong nước đã rút vốn như Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH) nắm giữ 20% của Mekong Bank đã nhanh chóng rút vốn khi ngân hàng này sáp nhập vào MaritimeBank.
Hay gần đây, trên thị trường xuất hiện thông tin nhiều khả năng Tập đoàn UOB của Singapore sẽ rút khỏi Southern Bank khi nhà băng này chính thức sáp nhập vào Sacombank. Trước đó, Tập đoàn Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) là đối tác nước ngoài của VPBank đã rút vốn khỏi ngân hàng này kể từ cuối năm 2013 sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng 14,88% cổ phần của VPBank sau hơn 7 năm hợp tác…
Trong khi đó, giấy phép xin được thành lập mới của khối ngoại ngày một tăng. Đơn cử trường hợp UOB, việc rút vốn khỏi Southern Bank xuất hiện, nhưng có thể UOB không rời thị trường Việt Nam mà sẽ tìm kiếm cơ hội để thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam.
Cùng lúc đó, một số ngân hàng cho biết đã gửi hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xin thành lập ngân hàng con tại Việt Nam khi đủ điều kiện là E.SUN, ngân hàng đến từ Đài Loan, Public Bank Berhad (PBB); ngân hàng Woori; Kasikorn Bank…
Với những thay đổi chiến lược trên, phần lớn các ngân hàng trong nước sau nhiều năm đặt ra kế hoạch bán vốn vẫn chưa thể thành công. Trong đó, lãnh đạo của Sacombank, HDBank, VPBank… cho biết đến nay họ vẫn nuôi hy vọng bán cổ phần để có thêm nguồn lực tái cơ cấu.
Còn đối với một số ngân hàng nhỏ khi trao đổi, họ cho biết muốn bán đứt 100% vốn cho cổ đông ngoại. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có đối tác nào đạt được thỏa thuận nhận vốn từ đối tác ngoại.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, xu hướng M&A trong 6 tháng đầu năm nay rất mạnh. Về lý thuyết, ngành ngân hàng vẫn thể hiện được tiềm năng để thu hút vốn ngoại.
Thậm chí, các phương án mà ngân hàng đưa ra đều khả thi cho cả hai bên tìm kiếm lợi ích. Có điều, trong bối cảnh hiện nay, dòng vốn ngoại đã bị thu hút nhiều hơn ở lĩnh vực khác vì các ngân hàng vẫn chưa thực sự thoát khỏi vấn đề nợ xấu.
Thừa nhận điều này, lãnh đạo cao cấp của Công ty chứng khoán KIS nói rằng, không hẳn cứ nới room là có thể hấp dẫn được đối tác ngoại nếu nội tại của các ngân hàng nhỏ đó yếu kém và tiềm năng tăng trưởng không được như kỳ vọng. Điều đó cũng có nghĩa, không hẳn khi room được mở hết 100% ở một số ngân hàng nhỏ, nhưng yếu kém… là sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Mục tiêu của các nhà đầu tư khi đầu tư vào ngân hàng nhỏ, yếu kém là hy vọng có thể phát triển nó mạnh lên. Nhưng nếu họ không tìm thấy tiềm năng vực dậy thì họ sẽ không đổ tiền vào”, vị này chia sẻ.
Hơn nữa, các ngân hàng ngoại dù muốn thành lập 100% vốn tại Việt Nam một cách độc lập cũng không phải dễ dàng vì quy định thành lập ngân hàng tại Việt Nam rất chặt chẽ. Chưa kể, theo mục tiêu dài hạn, ngành ngân hàng Việt Nam chỉ phát triển theo chiều sâu thay vì số lượng.
Có thể nói rằng, việc bán vốn cho khối ngoại trong các ngân hàng không mới, vì cách đây vài năm, các ngân hàng đều xây dựng chiến lược bán vốn này. Tuy nhiên, thời điểm đó, việc mua bán còn ở mốc sơ khai, nên người ta vẫn kỳ vọng vào kết quả.
Còn hiện tại, như những phân tích ở trên, việc bán vốn đang lộ rõ khó khăn, thậm chí khó có thể đạt được kết quả nếu khối ngân hàng trong nước không có sự thay đổi và kế hoạch thay thế.
Trong đó, quan trọng nhất vẫn là việc các ngân hàng phải lên kế hoạch cẩn thận, đảm bảo mục tiêu bán vốn phải đi theo đúng lộ trình, chặt chẽ và tính kỷ luật trong suốt quá trình M&A để nhà đầu tư ngoại thay đổi cách nhìn nhận.