Tín dụng chảy đúng hướng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Trao đối với Tạp chí Tài chính liên quan đến dòng chảy tín dụng trong hệ thống ngân hàng, ThS. Nguyễn Vũ Duy - Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing cho rằng, tín dụng đang tăng mạnh ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của Đất nước.
Phóng viên: Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng những tháng đầu năm khá thấp, song gần đây đã được cải thiện. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
ThS. Nguyễn Vũ Duy: Theo số liệu từ NHNN, ta có thể thấy tính đến cuối tháng 6/2024, dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế đã tăng hơn 4.45% so với cuối năm 2023. Điều đặc biệt là dư nợ chỉ bắt đầu tăng từ tháng 3/2024, đánh dấu sự thành công trong nỗ lực đưa vốn vào nền kinh tế của Chính phủ.
Mặc dù đây là mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2018 - 2024 (thấp nhất là mốc 3.7% của năm 2020), nhưng cũng ghi nhận được sự tăng trưởng chung của nền kinh tế khi mà kinh tế toàn cầu đang còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết từ lãi suất điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), chiến tranh Nga - Uckraina…
Việc tín dụng tăng dần từ tháng 3/2024 (1.42%) cho đến mốc 4.45% vào tháng 6/2024 cho thấy những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam phần nào đã được giải quyết ổn thỏa. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu 2024 đạt 6.42%, cao hơn rất nhiều so với mốc 3.72% so với năm 2023 cho thấy Chính phủ đang điều hành nền kinh tế rất hợp lý.
Ngoài ra, các vấn đề trọng yếu của nền kinh tế như: tỉ giá, giá vàng, lãi suất,… đều được NHNN giải quyết rất linh hoạt và hiệu quả, từ đó gia tăng niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thúc đẩy sự tăng trưởng tín dụng.
Phóng viên: Ông có nhận định gì về cơ cấu dòng chảy tính dụng trong quý II/2024? Lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã đón được dòng vốn chưa?
ThS. Nguyễn Vũ Duy: Theo báo cáo tháng 06/2024 của NHNN, có thể thấy tín dụng tăng mạnh ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 5.98% (trong đó công nghiệp tăng 7.26%) và các hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông tăng 5.73% (trong đó thương mại tăng 5.93%). Đây là điều đáng mừng vì tín dụng phần nào đã chảy vào đúng mục tiêu phát triển kinh tế của Đất nước.
Đáng chú ý tín dụng cho các hoạt động thương mại tăng tốt phản ánh sự sôi động trở lại từ chính nội tại của nền kinh tế. Các ngành nghề như công nghiệp chế biến chế tạo, xuất - nhập khẩu, bán buôn bán lẻ, thép và kim loại khác là 4 nhóm ngành chính được các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro ở mức độ thấp và là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng của cả năm 2024.
Phóng viên: Nhóm ngành sản xuất nào sẽ động lực tăng trưởng tín dụng mạnh trong những tháng cuối năm, thưa ông?
ThS. Nguyễn Vũ Duy: Trong những tháng còn lại của năm 2024, với sự hồi phục từ nhu cầu tiêu dùng trong nước, cùng với khả năng tăng trưởng trở lại của nền kinh tế toàn cầu khi lãi suất điều hành được các Ngân hàng Trung ương cắt giảm, tôi dự báo các nhóm ngành sau sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng:
Thứ nhất, nhóm ngành xuất khẩu với 2 động lực chính là dệt may và thủy sản. Bên cạnh đó, công nghiệp cũng được xem là nhóm ngành dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng 06 tháng đầu năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng cho đến hết năm.
Thứ hai, bán lẻ, thương mại tiếp tục duy trì đà phục hồi từ nền thấp của năm 2023. Tôi dự đoán các tháng còn lại ngành bán lẻ, thương mại sẽ tiếp tục được là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ sự hồi phục nhu cầu nội địa. Đặc biệt vào 2 tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế gia tăng nhất là các dịp Tết, lễ.
Phóng viên: Có nhận định cho rằng, tín dụng vào những tháng cuối năm 2024 vẫn gặp khó, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
ThS. Nguyễn Vũ Duy: Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14-15%/ năm cho cả năm 2024 rõ ràng không phải là một điều dễ dàng với NHNN. Việc duy trì tăng trưởng tín dụng đi kèm với giám sát, quản trị các khoản cho vay ở mức độ an toàn (giám sát nợ xấu) là điều rất khó thực hiện.
Tuy nhiên, áp lực từ kinh tế thế giới sẽ giảm bớt đi phần nào và đây là cơ hội cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào các tháng còn lại của năm 2024, cụ thể:
Việc Fed dự tính thực hiện cắt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 9/2024 sẽ tạo ra sức ép giảm giá đối với đồng USD trên toàn cầu, từ đó giảm áp lực lên lãi suất VND trong nước giúp mặt bằng lãi suất các tháng cuối năm duy trì ở mức thấp như hiện tại.
Các tổ chức tín dụng cần rà soát lại khách hàng, giảm khẩu vị rủi ro với các khoản cho vay mới và tập trung vào các nhóm khách hàng cụ thể (lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu, bán lẻ…) sẽ giúp tín dụng tăng trưởng tốt hơn vào các tháng còn lại của năm.
Phóng viên: Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để có thể tiếp cận được nguồn vốn một cách hiệu quả nhất?
ThS. Nguyễn Vũ Duy: Bất cứ thời điểm nào của nền kinh tế, các tổ chức tín dụng luôn sẵn sàng tiếp cận và hỗ trợ khách hàng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, các khách hàng cần phải đáp ứng các tiêu chí nhất định do từng ngân hàng đưa ra.
Chẳng hạn, doanh nghiệp cần rà soát lại kế hoạch kinh doanh để đảm bảo tính hiệu quả. Rõ ràng việc đầu tư vào các ngành nghề được hỗ trợ (nông, lâm, ngư nghiệp) hoặc các ngành nghề được các tổ chức tín dụng quan tâm (bán lẻ, xuất nhập khẩu, thương mại, thép,…) sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
Cần lưu ý giám sát tỉ lệ nợ vay ở mức độ an toàn (quanh ngưỡng 1, nợ đủ tiêu chuẩn). Bên cạnh đó, cần quản lý tốt công nợ, nhất là các khoản phải thu nhằm tránh tình trạng bị khách hàng chiếm dụng vốn, từ đó khiến doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn khác để bù đắp.
Ngoài ra, cần xem xét các khoản tín dụng hiện tại, thương lượng với các tổ chức tín dụng để giảm chi phí lãi vay từ đó gia tăng hiệu quả hoạt động. Trong trường hợp cần thiết, có thể thực hiện yêu cầu tổ chức tín dụng khác thực hiện mua lại nợ nhằm tiết giảm chi phí lãi vay, từ đó gia tăng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!