Tổng cục Thuế: Rà soát, đôn đốc thu nợ hiệu quả
Tổng cục Thuế đang tiến hành rà soát tổng thể dữ liệu nợ thuế, xử lý dứt điểm các khoản nợ chờ điều chỉnh, nợ chờ xử lý.
Kiểm soát chặt chẽ việc phân loại nợ, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ; phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả.
Nợ thuế có xu hướng giảm
Ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua ngành Thuế đã triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế; hàng tháng thông báo danh sách các doanh nghiệp (DN) nợ để các cục thuế tổ chức rà soát, đôn đốc và thực hiện cưỡng chế nợ. Do đó, số tiền thu được từ nợ thuế tăng lên, tổng số tiền nợ thuế đang có xu hướng giảm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm 30/9/2016, tổng số tiền thuế nợ mà 63 cục thuế đã đôn đốc, thu hồi là 31.785 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang, đạt 60% chỉ tiêu thu nợ năm 2016. Nếu loại trừ tiền chậm nộp, tỷ lệ thu nợ đạt 87%. Tổng số tiền nợ thuế tính đến thời điểm 30/9/2016 là 74.140 tỷ đồng. Như vậy, nếu so với thời điểm 31/8/2016, thì số tiền nợ thuế giảm 440 tỷ đồng, tương đương giảm 0,6%.
Ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ thuế như: Nhiều DN khó khăn, làm ăn thua lỗ, không có nguồn để nộp thuế. Nhiều DN có nguy cơ phá sản, bỏ trốn, không có khả năng thanh toán nợ thuế. Tình trạng chuyển đổi chủ sở hữu của các DN nợ thuế ngày càng gia tăng. Một số DN vay vốn ngân hàng, làm ăn thua lỗ dẫn tới mất khả năng chi trả, không có khả năng nộp thuế đúng hạn. Cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc xử lý nợ và thu hồi nợ thuế.
Một nguyên nhân khác, theo quy định hiện hành, tất cả các khoản nợ đều bị tính tiền chậm nộp, nên số nợ khó thu (thực tế không thu được) vẫn phải tính tiền chậm nộp; hầu hết các DN nợ thuế chỉ quan tâm đến nộp nợ gốc, chưa nộp hoặc nộp rất ít nợ tiền chậm nộp do loại nợ này không bị tính tiền chậm nộp. Bên cạnh đó, về phía chủ quan của DN, hiện một số DN chưa nghiêm túc chấp hành chính sách, pháp luật thuế, chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, để nợ thuế kéo dài. Nhiều trường hợp kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, phá sản, bỏ khỏi địa chỉ sản xuất, kinh doanh và vẫn còn nợ thuế. Đây là nguyên nhân rất phổ biến dẫn đến nợ thuế kéo dài.
Phân loại cụ thể từng khoản nợ
Đề cập đến các giải pháp để thu hồi nợ thuế trong thời gian tới, ông Nguyễn Đại Trí cho biết, hiện nay Tổng cục Thuế đang thực hiện rất nhiều giải pháp để thu hồi nợ thuế. Ngoài các giải pháp đang thực hiện, Tổng cục Thuế cũng đang tổ chức rà soát tổng thể dữ liệu nợ thuế, kịp thời điều chỉnh, xử lý dứt điểm các khoản nợ chờ điều chỉnh, nợ chờ xử lý; kiểm soát chặt chẽ việc phân loại nợ, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả.
“Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ thuế, hàng tháng thông báo danh sách các DN nợ lớn và yêu cầu các cục thuế tổ chức rà soát, đôn đốc và thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện cưỡng chế nợ của các cục thuế địa phương”, ông Trí nói.
Cùng với các biện pháp quản lý nợ, ngành Thuế đang tiến hành rà soát để sửa đổi bổ sung Quy trình Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với sự thay đổi của chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Điện tử hoá hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ, từ khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp theo tính chất của từng khoản nợ, đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nợ và thực hiện cưỡng chế nợ thuế.