Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng


Năm 2022, ngành Ngân hàng tỉnh Thái Bình đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách cụ thể, linh hoạt, huy động được nguồn vốn tín dụng lớn, đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế.

Ngành ngân hàng tỉnh Thái Bình triển khai hiệu quả chính sách tín dụng đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Ngành ngân hàng tỉnh Thái Bình triển khai hiệu quả chính sách tín dụng đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Bà Phan Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Thái Bình cho biết, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng bình quân 1,19%/năm so cuối năm 2021, nhưng đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động tại tỉnh Thái Bình vẫn đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so năm trước.

Qua phân tích, tiền các tổ chức kinh tế gửi ngân hàng chiếm 8,3%; tiền gửi của dân cư chiếm 91,7%; tiền gửi dưới 12 tháng chiếm 59,6% và tiền gửi bằng đồng Việt Nam chiếm 97,6% tổng nguồn vốn huy động.

Với nguồn vốn huy động nêu trên, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã triển khai công tác đầu tư tín dụng cho nền kinh tế một cách linh hoạt, hiệu quả. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo dõi của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Thái Bình, tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm 2022. Cho đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tại Thái Bình đạt 86.200 tỷ đồng, tăng 14,7% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ chiếm 0,68% tổng dư nợ cho vay.

Ông Phạm Trung Dũng -Trưởng phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ (Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Thái Bình) thông tin nhanh: Năm 2022 vừa qua, riêng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so năm trước, chiếm 37,8% tổng dư nợ, với gần 109 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Ngoài ra, ngành ngân hàng triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách tín dụng cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội như: Miễn giảm lãi tiền vay 2,8 tỷ đồng cho hơn 13 nghìn khách hàng; cho vay trả lương, ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 7 doanh nghiệp, số tiền hơn 1,1 tỷ đồng với lãi suất cho vay 0%...

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Như lĩnh vực bất động sản, dư nợ cho vay đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng, giảm gần 29% so năm trước và chỉ chiếm 1,2% tổng dư nợ.

Theo Mai Tú/nhandan.vn