Tổng tài sản của Agribank đã vượt 1 triệu tỷ đồng

Thái Hằng

Tổng tài sản chính thức vượt con số 01 triệu tỷ đồng, đạt gần 1.200.000 tỷ đồng; Dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 17,6% so với năm 2016, đạt gần 900 nghìn tỷ đồng; Chất lượng tín dụng được đảm bảo, lợi nhuận trước thuế tăng 20%, nộp ngân sách nhà nước 1.200 tỷ đồng... agribank đã cùng ngành Ngân hàng góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Tổng tài sản của Agribank đã vượt 1 triệu tỷ đồng - Ảnh 1
Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2018 của Agribank.
Agribank và những con số ấn tượng
Năm 2017, bám sát định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trên cơ sở chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ủy, HĐTV, Agribank đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra với những con số đầy ấn tượng.

Tổng tài sản chính thức vượt con số 01 triệu tỷ đồng, đạt gần 1.200.000 tỷ đồng; Nguồn vốn huy động đạt gần 1.100.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 17,6% so với năm 2016, đạt gần 900 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn, đạt 650 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6% dư nợ.

Chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,54%. Lợi nhuận trước thuế tăng 20% (đạt 5.018 tỷ đồng cao nhất từ trước đến nay); Nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 1.200 tỷ đồng; cùng ngành Ngân hàng góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Trong năm 2017, Agribank đã áp dụng nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng; đơn giản hóa quy trình thủ tục cho vay, đưa ngân hàng lưu động xuống phục vụ tại xã cho bà con nhân dân. Cụ thể là đã triển khai 3 gói tín dụng lãi suất thấp hơn lãi suất điều vốn nội bộ hỗ trợ cho khách hàng trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với 2.200 khách hàng, số tiền trên 600 tỷ đồng.

Góp phần hỗ trợ giảm chi phí kinh doanh nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng, Agribank đã thực hiện tốt cho vay Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đối với 64 huyện thuộc 18 tỉnh, thành trên cả nước; Cho vay Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 8.957 xã trên cả nước, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 307.383 tỷ đồng với 2.591.711 khách hàng được hỗ trợ.

Cùng với đó, Agribank đã thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, dành kinh phí trên 300 tỷ đồng đối với các hoạt động an sinh xã hội, ưu tiên các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giáo dục, y tế, đường giao thông nông thôn, hỗ trợ cộng đồng và hỗ trợ 12,4 tỷ đồng các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão lụt thiên tai, sớm ổn định sản xuất kinh doanh.

Một số điểm mới tạo tiền đề quan trọng

Năm 2017, tiếp tục ghi nhận những nỗ lực của Agribank trong phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ (SPDV), phát triển mạnh các SPDV ngân hàng điện tử, đa dạng hóa các kênh cung ứng SPDV, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng tại Việt Nam.
Tổng tài sản của Agribank đã vượt 1 triệu tỷ đồng - Ảnh 2
Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cam kết sẽ cùng hệ thống Agribank quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2018.
Triển khai Đề án chiến lược phát triển dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020, chính thức thành lập Trung tâm chăm sóc, hỗ trợ khách hàng nhằm đưa hoạt động này theo hướng chuyên nghiệp hóa, hướng tới chuẩn mực của Ngân hàng hiện đại, toàn hệ thống Agribank có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, kết quả 7/8 nhóm SPDV duy trì đà tăng trưởng, đưa doanh thu dịch vụ toàn hệ thống tăng 24%, vượt kế hoạch đề ra.

Với mục tiêu đưa dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với khách hàng, nhất là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, năm 2017 Agribank đã thử nghiệm triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, đầu năm 2018 chính thức triển khai tại 62 chi nhánh với 68 xe chuyên dùng, nhằm giúp người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn và sử dụng các SPDV khác từ Agribank.

2017 cũng là năm thứ 2 Agribank triển khai Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn 2030, cũng là triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2 gắn với xử lý nợ xấu, tiếp tục xử lý dứt điểm các công việc còn lại của tái cơ cấu giai đoạn 1 và củng cố tiềm lực, nền tảng vững chắc sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

Được biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tài chính gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020”, Agribank công bố “chiến dịch” bài bản, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, tạo nên sự quyết tâm của toàn hệ thống, đến xây dựng quy trình, phương án xử lý, tập huấn nghiệp vụ. Hiện Agribank đã thành lập 02 Trung tâm xử lý nợ xấu tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam; Củng cố tăng cường năng lực hoạt động của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank; Tổ chức rà soát, xây dựng, tập huấn quy chế thu giữ tài sản đảm bảo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường…

Sẵn sàng bước sang giai đoạn phát triển mới

Phấn khởi trước những kết quả đạt được của Agribank, phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2018, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Những kết quả Agribank đạt được góp phần tích cực cùng hệ thống ngành Ngân hàng đóng góp quan trọng vào kết quả chung của nền kinh tế- xã hội đất nước.

“Là ngân hàng 100% vốn nhà nước, Agribank tiên phong đi đầu thực hiện nghiêm túc có trách nhiệm các chỉ đạo của NHNN, nhất là trong cho vay, giảm lãi suất. Agribank đều đạt và vượt kế hoạch các nhiệm vụ chỉ tiêu đề ra, đạt kết quả tích cực về tín dụng, nguồn vốn, lợi nhuận, công tác cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, kiện toàn tổ chức bộ máy mạng lưới, triển khai Đề án ngân hàng lưu động – đây là nét mới của Agribank trong thực hiện nhiệm vụ gắn với địa bàn vùng sâu vùng xa”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng yêu cầu, trong năm 2018, Agribank cần tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại yếu kém của những giai đoạn trước đây, kiểm soát rủi ro trong hoạt động, nâng cao chất lượng tài sản, chất lượng nguồn nhân lực; Tập trung thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thống đốc NHNN, kiểm soát tăng trưởng đi kèm với nâng cao chất lượng tín dụng; Có lộ trình sắp xếp tổ chức mạng lưới, xử lý các chi nhánh yếu kém, ưu tiên hoàn thiện các bước đi trong Đề án cổ phần hóa…

Đồng thời, quán triệt phổ biến toàn hệ thống Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, thực hiện nghiêm túc quy định về phòng ngừa rủi ro và phòng chống vi phạm hoạt động ngân hàng trên tất cả lĩnh vực hoạt động; Đẩy nhanh và mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Chủ động công tác truyền thông…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cam kết sẽ cùng hệ thống Agribank quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2018, tiếp tục đưa Agribank phát triển ổn định bền vững, sẵn sàng bước sang giai đoạn phát triển mới.

Năm 2017, Agribank đã ký kết 109 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận với các đối tác nước ngoài, ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác lớn trong nước, tạo cơ sở khai thác cơ hội kinh doanh và dư địa cung ứng SPDV; Triển khai mới 04 dự án ngân hàng phục vụ với tổng giá trị 325 triệu USD. Lũy kế đến cuối 2017, Agribank đang triển khai 26 dự án tín dụng quốc tế với tổng hạn mức tương đương trên 13.000 tỷ đồng; 147 dự án ngân hàng phục vụ với tổng giá trị 7,3 tỷ USD.