Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 50 tỷ USD
Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan trong ngày 14/02/2019, từ đầu năm đến hết ngày 13/02/2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 50 tỷ USD. Cũng trong thời gian này, đã có 1,29 triệu tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu của gần 50 nghìn doanh nghiệp đăng ký tại các Chi cục Hải quan và tương đương trên phạm vị toàn quốc.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính riêng trong tháng khởi đầu năm 2019, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước có mức thăng dư tới 816 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2019 đạt 20,0 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng 12/2018, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2019 đạt 20,80 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 12/2018, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu 2,64 tỷ USD và ngược lại khối doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước nhập siêu 1,83 tỷ USD. Trong tháng 1/2019, có 5 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
So với tháng 12/2018, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương. Hoa Kỳ vẫn giữ vững vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 với kim ngạch đạt 4,05 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Á ước đạt 10,98 tỷ USD, tăng 2,9%; trong đó xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 1,99 tỷ USD, tăng 0,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 1,63 tỷ USD, tăng 3,9%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 1,53 tỷ USD, tăng 3,8%... Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng 1 với kim ngạch đạt 3,77 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng 12/2018 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang châu Âu ước đạt 3,46 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 12/2018…
Như vậy, trong tháng đầu năm 2019, một số thị trường truyền thống của Việt Nam vẫn được giữ vững và tiếp tục phát huy hiệu quả, cũng như từng bước tận dụng các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Bước sang tháng 2/2019, theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm tính đến ngày 13/2/2019 đã cán mốc 50 tỷ USD. Cũng trong thời gian này, đã có 1,29 triệu tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu của gần 50 nghìn doanh nghiệp đăng ký tại các Chi cục Hải quan và tương đương trên phạm vị toàn quốc.
Như vậy, kỳ vọng đạt chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 tăng 7-8%, phấn đấu mức nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD, tương đương 2% kim ngạch xuất khẩu của năm 2019 mà Chính phủ đặt ra hoàn toàn có thể đạt được.
Đánh giá về chỉ tiêu xuất nhập khẩu do Chính phủ đề ra cho năm 2019, một số chuyên gia kinh tế tin trưởng Việt Nam sẽ đạt được các kết quả như kỳ vọng và cho rằng, nếu Chính phủ và doanh nghiệp có cách làm đột phá từ thì kết quả còn có khả năng tăng cao hơn nữa. Nhất là khi thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt.
Đó là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ nhằm xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục có nhiều cải cách về hành chính, đơn giản hóa thủ tục, từ đó tiết giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, từ ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, mở ra một thị trường rộng lớn đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu dự kiến có hiệu lực trong năm nay cũng sẽ tạo thêm cơ hội cho DN xuất khẩu vào thị trường châu Âu đầy tiềm năng.
Bên cạnh đó, nhìn về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể có những tác động tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể là, khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc thì lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc giảm đi dẫn đến hệ quả nhà đầu tư sẽ tìm nơi sản xuất thay thế. Khi đó, Việt Nam sẽ có nhiều đơn hàng hơn, giúp giải quyết việc làm, tăng trưởng xuất khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế.