TP. Hồ Chí Minh: Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Theo thoibaonganhang.vn

UBND TP. Hồ Chí Minh đã có tính toán lộ trình triển khai thực hiện việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp (DN) theo hướng không chạy theo số lượng, mà phải có chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không ép hộ kinh doanh lên DN

Ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, cho biết toàn thành phố có gần 15.000 hộ cá thể có sử dụng hóa đơn, 442 hộ sử dụng 10 lao động trở lên. Nếu tính theo doanh thu, có 21.000 hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng, 20.000 hộ có doanh thu 50 triệu đồng/tháng. Đây là những đối tượng có thể vận động dễ dàng lên DN, cần tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích chuyển đổi.

Tuy nhiên, số này không cao, toàn thành phố hiện có khoảng 15.000 hộ kinh doanh, phòng kinh tế các quận đã phối hợp với chi cục thuế quận rà soát 1.000 hộ kinh doanh có doanh thu từ 2 tỷ đồng/năm trở lên, vận động chuyển đổi thành DN. Trong đó có 421 hộ có mức đóng thuế trên 100 triệu đồng/năm, phòng kinh tế các quận đã đưa danh sách 421 hộ này về các phường, ban quản lý chợ để vận động chuyển đổi lên DN.

Theo ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, một số hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống, sản xuất thực phẩm chế biến, bán trái cây… có sử dụng trên 10 lao động, có doanh thu cao không muốn chuyển đổi lên DN. Họ cho rằng đang hoạt động theo hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát, truyền thống gia đình, và không muốn mở rộng quy mô chuyển sang DN nhằm tránh các thủ tục rườm rà, phức tạp. “Việc vận động các hộ cá thể chuyển đổi thành DN vẫn rất khó, nhiều hộ kiên quyết từ chối”, ông Hòa nói.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chuyển đổi hộ cá thể lên DN là tạo điều kiện tốt nhất cho bà con làm ăn, chứ không làm khó, o ép miễn cưỡng. Phải cho người dân, các hộ kinh doanh thấy được sự hỗ trợ của chính quyền cũng như những lợi ích khi chuyển lên DN để họ tự đăng ký chuyển đổi”.

Thành phố tạo điều kiện tối đa

Trước thực trạng đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có tính toán lộ trình triển khai thực hiện việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN theo hướng không chạy theo số lượng, mà phải có chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Bà Nguyễn Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 TP. Hồ Chí Minh có ít nhất 500.000 DN hoạt động thì cần dựa vào 2 nguồn chính là hộ cá thể lên DN và đăng ký thành lập DN hàng năm. Hàng loạt chính sách hỗ trợ DN đầu tư đổi mới sáng tạo, hỗ trợ đầu ra, kết nối DN với tổ chức tín dụng, phát triển nguồn nhân lực… đã được TP. Hồ Chí Minh triển khai nhằm tạo điều kiện cho DN nâng cao hiệu suất hoạt động.

Để tập trung tạo sự thông thoáng, dễ dàng cho các hộ cá thể chuyển đổi sang DN, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị giải quyết các thủ tục chấm dứt hoạt động của các hộ kinh doanh trong 2 ngày làm việc, giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh trong 1 ngày làm việc, xem xét cấp lại các giấy phép kinh doanh trong 2 ngày làm việc.

“Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ lệ phí cho các hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN. Song song đó, hỗ trợ các thủ tục về thuế liên quan đến DN. Các đại lý thuế đã cam kết hỗ trợ miễn phí trong 3 năm đầu. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng vừa thành lập Trung tâm hỗ trợ DN khởi nghiệp”, bà Minh khẳng định.

“Trung bình mỗi năm quận 1 có khoảng 3.000 DN đăng ký thành lập mới. Quận đã cải tiến công tác kê khai nộp thuế, mối quan hệ chính quyền - DN cũng được cải thiện, rút ngắn thời gian làm thủ tục chuyển đổi hình thức kinh doanh, rà soát, bố trí mặt bằng gửi xe… để tạo điều kiện cho DN hoạt động” - ông Lưu Trung Hòa cho biết.

Để kế hoạch vận động hộ kinh doanh thuận lợi, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân đề xuất: “UBND thành phố yêu cầu các sở ngành liên kết không xử lý rời rạc đối với thủ tục thành lập DN.

DN sau khi đăng ký thành lập xong có thể xin giấy phép bảo đảm an ninh trật tự, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm một cách nhanh chóng. UBND thành phố có phần mềm hướng dẫn ở bộ phận một cửa để các hộ dân nắm bắt thủ tục để theo dõi quy trình…”.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định quan điểm của TP. Hồ Chí Minh là phải tạo điều kiện tối đa cho hộ cá thể chuyển đổi lên DN. Sắp tới, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ làm việc với từng quận huyện để lắng nghe thêm, tiếp tục ghi nhận thông tin về việc này.