TP. Hồ Chí Minh: Thêm 231 điểm bán hàng bình ổn giá

PV.

(Tài chính) Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6/2014, tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố là 8.459 điểm, tăng 8.186 điểm so với năm 2008 và tăng 231 điểm bán so với đầu năm 2014.

Tính đến tháng 6/2014, tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là 8.459 điểm. Nguồn: internet
Tính đến tháng 6/2014, tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là 8.459 điểm. Nguồn: internet

Hiện nay, các mặt hàng lương thực, thực phẩm có 3.514 điểm, tăng 29 điểm so với đầu chương trình, trong đó có 106 siêu thị và trung tâm thương mại, 420 cửa hàng tiện lợi, 827 điểm bán tại 128 chợ truyền thống, 2.161 điểm bán trong khu dân cư.

Đáng chú ý là các doanh nghiệp đã tập trung phát triển mạnh các điểm bán hàng bình ổn tại các quận ven huyện ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh. Tính đến nay, toàn Thành phố đã có 817 điểm bán hàng, gồm 21 siêu thị, 96 cửa hàng tiện lợi, 83 điểm trong chợ truyền thống và 617 điểm bán khu dân cư. Theo đó, đã có 16 điểm bán phục vụ công nhân gồm 11 điểm bán tại 9 khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN – KCX), 3 cửa hàng tiện lợi tại các xí nghiệp và 2 cửa hàng thanh niên phục vụ khu lưu trú công nhân.

Trong tổng số 8.459 điểm bán, Hội Phụ nữ đã phát triển được 765 điểm bán, gồm 74 cửa hàng liên kết và 619 điểm bán do Hội Phụ nữ tổ chức vận động các tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn.

Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch số 3989 về việc tổ chức bán hàng lưu động và đưa hàng vào bếp ăn tập thể trên địa bàn Thành phố năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015. Dự kiến, Thành phố sẽtổ chức 1.250 chuyến bán hàng lưu động, tập trung tại các KCX – KCN ở các quận ven và ngoại thành. Các chuyến bán hàng lưu động này sẽ được 03 đơn vị chủ lực làm đầu mối là: Liên hiệp hợp tác xã (HTX) Thương mại TP. Hồ Chí Minh - Saigon Co.op, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Satra và Công ty TNHH Ba Huân. Riêng tại huyện Cần Giờ, do Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Cần Giờ làm đầu mối tổ chức thực hiện.

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Nhằm tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường năm 2014, Thành phố sẽ tập trung một số giải pháp trọng tâm. Đó là, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường để nâng cao năng lực của các DN tham gia chương trình, hỗ trợ nâng cao năng lực của các HTX sản xuất nông sản thực phẩm, hướng mục tiêu sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, Haccp, sản phẩm sạch đáp ứng chất lượng sản phẩm hàng hóa tham gia chương trình.

Bên cạnh đó, dự kiến đẩy mạnh việc kết nối giữa các tổ chức tín dụng với DN, HTX tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp, tạo điều kiện cho DN đầu tư - liên kết - phát triển sản xuất kinh doanh. Tập trung phát triển hệ thống phân phối Siêu thị - Trung tâm thương mại, Cửa hàng tiện lợi và các điểm bán hàng bình ổn; Tăng cường sự liên kết, thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình hợp tác thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình mang tính chiến lược dài hạn tạo nguồn hàng cho Thành phố. Đồng thời, khuyến khích DN tham gia Chương trình đầu tư - liên kết SXKD, phát triển mạnh hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc sản vùng miền...

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 7 - 2014