Trái phiếu, bất động sản làm "nóng" mùa đại hội cổ đông ngân hàng


Sau một năm khó khăn của ngành Bất động sản, quan hệ tín dụng của các ngân hàng với các công ty bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các cổ đông trong mùa đại hội năm nay.

Hầu hết các ngân hàng đều bắt đầu chuyển dịch cơ cấu cho vay, trong đó tập trung cho vay bán lẻ.
Hầu hết các ngân hàng đều bắt đầu chuyển dịch cơ cấu cho vay, trong đó tập trung cho vay bán lẻ.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã tổ chức xong Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023, trong đó vấn đề được cổ đông quan tâm và chất vấn lãnh đạo ngân hàng nhiều nhất là tín dụng bất động sản và đầu tư TPDN.

Cổ đông vẫn... "bất an"!

Tại các ĐHCĐ gần đây, trả lời chất vấn của cổ đông, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng như VPBank, SHB, VIB, ACB… đều cho biết, tỷ trọng cho vay bất động sản vẫn ở ngưỡng an toàn. Trong khi đó, đầu tư TPDN đều có tài sản bảo đảm (TSBĐ), thanh khoản tốt.

Ngày 18/4, tại ĐHCĐ của VPBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, TPDN đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng, ảnh hưởng tới nhiều tổ chức tín dụng. Hiện VPBank đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng vào TPDN, so với thời điểm cuối 2022 đã giảm 5.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục giảm từ nay đến 20.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Trong đó, gần 60% là trái phiếu lĩnh vực BĐS, 40% là các lĩnh vực khác.

Trong nhóm trái phiếu BĐS, VPBank đang tham gia vào hơn 40 nhà phát triển BĐS, không có nhà đầu tư nào chiếm quá 1% tổng dư nợ. Đồng thời, 100% TPDN có TSBĐ. "Do đó, chúng tôi có khả năng xử lý nếu trái phiếu có vấn đề”, ông Vinh nói.

Bên cạnh đó, VPBank cũng đang sở hữu hơn 30.000 tỷ trái phiếu Chính phủ (TPCP) là tài sản có thanh khoản tốt. “Năm ngoái, chúng tôi đã giảm xuống tối thiểu về số dư TPCP, nhưng năm nay chúng tôi nâng tỷ trọng thêm”, ông Vinh cho hay.

Tương tự tại ĐHCĐ của Ngân hàng SHB hôm 11/04, các cổ đông ngân hàng đề nghị Ban lãnh đạo giải trình chi tiết danh mục trái phiếu của ngân hàng. Bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc cho biết, khoản này hiện gồm: TPCP (19.000 tỷ đồng); trái phiếu tổ chức tín dụng (1.150 tỷ đồng) và trái phiếu tổ chức kinh tế/doanh nghiệp (13.186 tỷ đồng). 

“TPDN của SHB chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng xanh chiếm 60%, đã bắt đầu có dòng tiền. 40% còn lại là BĐS trong các dự án khu công nghiệp và nhà ở, các dự án này đều có thanh khoản và đơn vị phát hành đều thanh toán đầy đủ cho SHB với kỳ hạn 3 – 5 năm”, bà Hà nói. 

Cũng liên quan đến tín dụng BĐS, vấn đề cổ đông VIB quan tâm nhất là khó khăn của thị trường BĐS ảnh hưởng thế nào đến chất lượng TSBĐ của ngân hàng. Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết, hơn 90% dư nợ của ngân hàng thuộc lĩnh vực bán lẻ. Trong số này, hơn 90% các khoản vay có TSBĐ, phân nửa trong đó là BĐS.

“Tỷ lệ cho vay trên TSBĐ của VIB chỉ 43%, nếu thị trường BĐS giảm đến 57%, VIB mới đạt đến ngưỡng bình thường, còn thị trường BĐS giảm 30% thì VIB hoàn toàn an toàn”, ông Vỹ cho hay và thông tin thêm: dư nợ BĐS tại VIB cũng chỉ khoảng 3.800 tỷ đồng, con số rất nhỏ trên tổng quy mô tín dụng của ngân hàng.

Đối với TPDN tại ngân hàng chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ có hơn 1.800 tỷ đồng trên tổng dư nợ 232.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản trái phiếu này do các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, định chế tài chính phát hành, không liên quan đến ngành BĐS.

Ngân hàng sẽ chuyển dịch cơ cấu cho vay

Như vậy, theo những thông tin mà các ngân hàng hé lộ cho thấy, các ngân hàng thương mại dường như đang kiểm soát rất tốt dòng tín dụng chảy vào BĐS và TPDN.

Tuy nhiên, những lo lắng của các cổ đông là có cơ sở khi theo số liệu của NHNN tín dụng cho lĩnh vực BĐS luôn có tăng trưởng khá cao trong năm vừa qua. Đặc biệt, năm 2022, tín dụng chung của nền kinh tế tăng 14,17%, nhưng tỷ trọng dư nợ tín dụng BĐS trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao là 21,6% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỷ đồng.

Trong cơ cấu này, trên 60% là tín dụng cho nhu cầu nhà ở, đáng nói ở đây là chủ yếu là phân khúc giá trị cao, còn hơn 30% là cho vay đối với nhu cầu kinh doanh BĐS.

Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tổ chức hồi đầu năm, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, năm 2022, thậm chí có những doanh nghiệp bất động sản tăng tín dụng tới hơn 300%, có những tập đoàn tín dụng tăng 68 - 70%, trong khi tín dụng bình quân chung toàn nền kinh tế chỉ tăng 13-14%.

NHNN khẳng định, những diễn biến trên thị trường cũng như những khó khăn của doanh nghiệp có tác động trực tiếp đến chất lượng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, NHNN luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến tín dụng BĐS và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng với mục tiêu vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường.

“NHNN ban hành văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số phân khúc có rủi ro cao trong bất động sản, có tính đầu cơ, các dự án lớn có nguy cơ dẫn tới bong bóng, có thể dẫn tới rủi ro an toàn hệ thống. Còn tín dụng BĐS phục vụ người mua nhà được xem bình đẳng như những lĩnh vực khác của nền kinh tế, không có hạn chế nào”, ông Tú khẳng định

Theo các chuyên gia, trên thực tế, việc người dân mua nhà để ở hay đầu cơ là rất khó tách bạch, song việc cho vay cá nhân sẽ giúp ngân hàng phân tán rủi ro. Hơn nữa, dù dư nợ tín dụng BĐS tăng cao, nhưng khi ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ quy chuẩn về quản lý rủi ro, NHNN không thể tùy tiện siết chặt.

Sau những biến động vừa qua, nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều bắt đầu chuyển dịch cơ cấu cho vay. Trong đó, tập trung vào cho vay bán lẻ, cho vay sản xuất kinh doanh nhiều hơn.

Đồng thời, các nhà băng cũng đang giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực BĐS dù là đối với hoạt động mua nhà để ở. Về hoạt động trái phiếu, hầu hết các ngân hàng đều bày tỏ quan điểm thận trọng, tập trung vào trái phiếu các tổ chức tín dụng.