Gỡ khó cho ngân hàng phát hành trái phiếu


Phát hành trái phiếu được xem là một trong những kênh quan trọng, mang nhiều lợi thế cho ngân hàng như kỳ hạn huy động vốn dài tạo điều kiện ngân hàng cân đối chỉ số vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn. Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động phát hành trái phiếu của ngân hàng thương mại "đóng băng" do vướng các quy định.

Theo thống kê Hiệp hội Thị trường trái phiếu, trong tháng 3/2023, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với tổng giá trị phát hành đạt 26.425 tỷ đồng, tăng gấp 13,2 lần tổng khối lượng phát hành của tháng 2/2023.

Đáng chú ý, hơn 88,6% lượng TPDN phát hành mới là của doanh nghiệp bất động sản (BĐS), trong khi nhóm ngân hàng vẫn tiếp tục vắng bóng.

Một trong những lý do khiến cho hoạt động phát hành trái phiếu của ngân hàng trở nên trầm lắng từ đầu năm đến nay, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), là vướng các quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

"Mắc kẹt" bởi quy định khó thực hiện

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tăng vốn vẫn là nhu cầu thường trực của các ngân hàng nhằm đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn khi vốn chủ sở hữu còn mỏng mà tín dụng lại tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu.

Gỡ khó cho ngân hàng phát hành trái phiếu - Ảnh 1

Phát hành trái phiếu được xem là một trong những kênh quan trọng, giúp bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. 

Với tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cao, người dân có thể thường xuyên rút tiền, có thời điểm ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản. Chính vì vậy mà hình thức phát hành trái phiếu (với kỳ hạn huy động dài trên 1 năm), ngoài việc tăng quy mô vốn hoạt động còn bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Phát hành trái phiếu được xem là một trong những kênh quan trọng, mang nhiều lợi thế cho ngân hàng như kỳ hạn huy động vốn dài tạo điều kiện ngân hàng cân đối chỉ số vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn. Chưa kể, trong mấy năm qua, lãi suất phát hành trái phiếu còn thấp hơn lãi suất tiền gửi, qua đó giúp ngân hàng có dư địa giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng, hiện nay, kênh “gọi vốn” này lại đang bị “mắc kẹt”.

Điển hình là quy định khi ngân hàng phát hành trái phiếu phải có báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ. Theo các ngân hàng, quy định này rất khó thực hiện. Bởi đặc thù của ngành ngân hàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, dòng tiền lưu thông luân chuyển liên tục, nguồn vốn sau khi được huy động sẽ được hòa lẫn vào tổng nguồn vốn chung để sử dụng cho các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.

Do vậy các tổ chức tín dụng (TCTD) không thể phân định tách bạch, có hệ thống theo dõi riêng nguồn tiền huy động từ phát hành trái phiếu hay từ các hoạt động khác được sử dụng cho các khoản vay, đầu tư cụ thể nào và ngược lại các khoản đã cho vay, đầu tư được lấy từ nguồn vốn cụ thể nào của TCTD. Và càng khó khăn hơn khi vốn huy động từ trái phiếu cho vay đối tượng cụ thể được thu nợ trong khi chưa đến kỳ đáo hạn trái phiếu, nguồn vốn đó sẽ quay vòng đầu tư cho các đối tượng khác.

Giải pháp "cứu cánh" cho trái phiếu ngân hàng

Để thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu, các chuyên gia đề xuất không nên áp dụng chung quy định phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận định: "Bản chất ngân hàng thương mại thì tính minh bạch của họ cao hơn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác. Vì vậy, trong các loại rủi ro thì trái phiếu ngân hàng có độ rủi ro thấp vì nó có cơ quan chuyên ngành kiểm soát".

Đồng tình, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, ngân hàng có hệ thống giám sát quản lý tương đối chuẩn chỉnh. Việc quy định điều kiện các TCTD phát hành trái phiếu riêng lẻ như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác là chưa phù hợp với đặc thù của các TCTD.

"Tất nhiên là làm kinh doanh bao giờ cũng có rủi ro, nhưng những rủi ro này nằm trong tính toán, giám sát của hệ thống nên không đáng lo ngại như doanh nghiệp khác", ông Thành nói.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thừa nhận, quy định trên đang gây khó khăn cho hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng. Ông cho biết, bản thân hệ thống ngân hàng được quản lý rất chặt chẽ bởi nhiều chỉ số, công cụ. Với doanh nghiệp chỉ cần đầu tư lĩnh vực gì không trái pháp luật, còn đối với ngân hàng không những việc cho vay phải đúng quy định pháp luật mà còn phải đảm bảo an toàn vốn. Việc này được Ngân hàng Nhà nước giám sát thanh tra thường xuyên thông qua các chỉ số an toàn cũng như thanh tra trực tiếp.

"Trong khi ngành ngân hàng đang tìm giải pháp tháo gỡ cho thị trường TPDN thì chính các ngân hàng đang mắc kẹt với quy định về thị trường này. Do vậy, cần thiết phải gỡ vướng cho các ngân hàng", ông Tùng bày tỏ.

Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các TCTD, mới đây, VNBA đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quy định tại Nghị định 65 theo hướng TCTD không phải thực hiện việc báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ để công bố thông tin định kỳ, cũng như làm căn cứ phát hành các đợt trái phiếu mới.

Trong thời gian chưa thực hiện kiểm toán được, đề nghị Chính phủ cho phép các TCTD được tạm hoãn thực hiện quy định đến hết ngày 30/6/2023 về việc công bố thông tin định kỳ báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán để các TCTD có thời gian lựa chọn đơn vị kiểm toán.

Theo Huyền Anh/vnbusiness