Trái phiếu Chính phủ dài hạn đang hút khách

Theo thoibaonganhang.vn

Bên cạnh khung khổ pháp lý, kết cấu hạ tầng, cơ sở thanh toán ngày càng hoàn thiện hơn, thay vì dồn cục phát hành, Chính phủ nên phát hành thường xuyên trái phiếu Chính phủ với các kỳ hạn đa dạng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng mua trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài

Tuy trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 20 và 30 năm mới chỉ được Kho bạc Nhà nước (KBNN) triển khai thí điểm phát hành từ năm 2016, nhưng hiện tại đây là hai kỳ hạn thu hút rất nhiều sự quan tâm của các NĐT.

Trên thực tế, từ đầu năm 2017 đến nay, TPCP có kỳ hạn càng dài thì tỷ lệ trúng thầu càng lớn. Gần đây nhất, thống kê trong tuần từ 29/5-2/6/2017, KBNN đã tổ chức gọi thầu TPCP tại 4 loại kỳ hạn: 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm, thì khối lượng trúng thầu kỳ hạn 5 năm đạt thấp nhất (chỉ đạt 67%), trong khi kỳ hạn 7 năm và 10 năm tỷ lệ trúng thầu 100%.

Hiện KBNN đã hoàn thành hơn 71% kế hoạch phát hành TPCP đến quý II/2017 và 60% kế hoạch phát hành cả năm. Và theo thường lệ, các ngân hàng thương mại vẫn là khách hàng “VIP” khi tham gia mua một khối lượng lớn TPCP.

Tuy nhiên, theo một CEO ngân hàng, tùy theo năng lực tài chính, các NH cỡ nhỏ thường chỉ tham gia kỳ hạn từ 15 năm trở lại. Hiện tại, khách hàng mua TPCP kỳ hạn trên 10 năm đa dạng hơn, ngoài ngân hàng thương mại tại Việt Nam, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các công ty bảo hiểm nhân thọ… cũng tham gia phân khúc này.

Việc huy động TPCP với thời gian quá dài, không có lợi cho thị trường và Chính phủ. Nếu sau này lãi suất có xu hướng giảm, Chính phủ sẽ phải gánh chi phí lãi lớn.
Vì sao các nhà đầu tư tăng mua TPCP kỳ hạn dài? Với câu hỏi này, TS. Võ Trí Thành lý giải: Thứ nhất, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào việc điều hành chính sách của Chính phủ tăng lên. Không chỉ tăng uy tín trong nội tại nền kinh tế, mà ở bên ngoài các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín như Moody’s, Fitch cũng đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ “Ổn định” lên “Tích cực”.

Nếu xét về lợi suất thì TPCP của Việt Nam cũng chỉ ngang bằng với một số nước trong khu vực, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn với tình hình chính trị Việt Nam, tin tưởng sự ổn định kinh tế vĩ mô luôn là ưu tiên trọng tâm của Chính phủ.

Về phía ngân hàng, mục đích mà họ luôn theo đuổi khi đầu tư TPCP đó là lãi suất cao nên lợi suất tốt. Cụ thể, chênh lệch giữa lãi suất trên thị trường mở (OMO) và TPCP kỳ hạn dài đang ở mức rất hấp dẫn. Trong khi lãi suất OMO chỉ ở mức 5% thì lợi tức TPCP kỳ hạn 20 - 30 năm lên tới 7,6-7,9%/năm. Với dự báo các biến số vĩ mô chính tác động lên lãi suất như lạm phát, tỷ giá… tiếp tục được duy trì ổn định như hiện nay thì các ngân hàng thương mại Việt Nam đều có xu hướng quan tâm hơn đến TPCP. Ở khía cạnh khác, hiện cầu tín dụng đang cao, nhưng nếu tín dụng giảm thì TPCP là kênh đầu tư phù hợp nhất của các ngân hàng.

Thứ nữa, TPCP có thanh khoản rất tốt, lúc nào cũng có người sẵn sàng mua. Rủi ro lại không có. Vì vậy, các ngân hàng mạnh dạn tham gia mua TPCP các kỳ hạn dài hơn.

Bổ sung thêm nhận định, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, động thái TPCP kỳ hạn 20-30 năm được phát hành và giao dịch trên thị trường thứ cấp có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường tài chính của Việt Nam. Đó là đường cong lợi suất sẽ hoàn chỉnh hơn với đầy đủ các kỳ hạn từ 1-30 năm theo thông lệ quốc tế. Các mức lợi suất trên cũng là cơ sở để tham chiếu cho các giao dịch kinh tế tại Việt Nam.

Phân bổ hợp lý khối lượng kỳ hạn TPCP

Như phân tích ở trên, TPCP kỳ hạn 20 và 30 năm là hai kỳ hạn thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Việc Chính phủ tiếp tục phải phát hành kỳ hạn dài hơn được các chuyên gia nhận định do vấn đề nợ công ngày càng cao, bội chi ngân sách còn lớn. Trong khi các dự án đầu tư của Chính phủ đều dài hạn nên buộc phải huy động các kỳ hạn dài để đáp ứng nhu cầu đầu tư của Chính phủ. Mặt khác, thời gian TPCP càng dài Chính phủ có điều kiện để cân đối giảm áp lực trả nợ.

Trái phiếu Chính phủ dài hạn đang hút khách - Ảnh 1

Tuy nhiên, việc huy động TPCP với thời gian quá dài, theo một số chuyên gia, không có lợi cho thị trường và Chính phủ. Một CEO ngân hàng phân tích: Nếu sau này lãi suất có xu hướng giảm, Chính phủ sẽ phải gánh chi phí lãi lớn. Vì vậy, vị này cho rằng không nên phát hành kỳ hạn dài quá, có thể gây lãng phí.

Như hiện nay, theo thống kê từ các cơ quan chuyên môn, thu chi ngân sách nhà nước và thặng dư từ phát hành TPCP đã thừa 13.000 tỷ đồng trong hơn 4,5 tháng của năm 2017. Như vậy, đang có một khối lượng lớn tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước bị "tồn kho" và cơ quan này đã gửi tạm tại các ngân hàng thương mại lớn.

Diễn biến trên đang gây ra rất nhiều bất lợi cho chính sách tài khóa, khi các dự án đầu tư công không được triển khai trong khi Chính phủ vẫn phải trả lãi cho các chủ nợ. Chắc chắn, Bộ Tài chính sẽ lại phải căng mình tìm nguồn vốn để cân đối trong thời gian tới.

Nhìn sang bên phía chính sách tiền tệ, sức ép về vốn cho nền kinh tế vẫn đè lên vai ngân hàng. Nhất là mới đây, Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị thúc đẩy nhiều giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó ngân hàng được giao nhiệm vụ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, việc phát hành TPCP với lãi suất cao sẽ tạo áp lực lên thị trường tiền tệ.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cần phải thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường TPCP để giảm bớt gánh nặng cho ngân hàng. Để làm được điều này cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô cũng như nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Đồng thời, nếu tỷ giá được duy trì ổn định các nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn mua TPCP Việt Nam.

Đề xuất phát triển thị trường TPCP bền vững trong thời gian tới, TS. Võ Trí Thành cho rằng: Bên cạnh khung khổ pháp lý, kết cấu hạ tầng, cơ sở thanh toán ngày càng hoàn thiện hơn, thay vì dồn cục phát hành, Chính phủ nên phát hành thường xuyên TPCP với các kỳ hạn đa dạng, xác định đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính...