Trao đổi về khấu trừ thuế giá trị gia tăng tại doanh nghiệp
Bài viết đề cập đến nội dung về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hóa đơn giá trị gia tăng bị sai, hóa đơn giá trị gia tăng đối với hàng khuyến mại, cho biếu tặng, hàng mua về để phục vụ hoạt động phúc lợi, tiêu dùng nội bộ và khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với các hóa đơn thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong hoạt động doanh nghiệp (DN), khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào đối với hóa đơn GTGT bị sai, hóa đơn GTGT đối với hàng khuyến mại, cho biếu tặng, hàng mua về để phục vụ hoạt động phúc lợi, tiêu dùng nội bộ và khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hóa đơn thanh toán không dùng tiền mặt... thường là những vấn đề thu hút được sự quan tâm đặc biệt của kế toán DN, cụ thể:
Thứ nhất, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của các hóa đơn GTGT được bên bán xuất hóa đơn khi nhận ứng trước, thanh toán trước của bên mua trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng cơ bản (XDCB):
- Đối với hoạt động bán hàng hóa: Trường hợp này bên bán vi phạm điểm a khoản 2 điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC về lập hóa đơn đúng ngày, vi phạm khoản 1 điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC về xuất hóa đơn khống (hóa đơn bất hợp pháp), khi đó bên mua không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và bị xuất toán khỏi chi phí được trừ theo điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ: Bên bán xuất hóa đơn GTGT khi dịch vụ hoàn thành (bên bán chưa nhận trước khoản tiền nào) hoặc bên bán xuất hóa đơn GTGT khi dịch vụ chưa hoàn thành nhưng đã nhận tiền trước (xuất hóa đơn vào ngày nhận tiền). Khi đó, bên mua được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Các dịch vụ sau đây xuất hóa đơn sau khi đã hoàn thành và cung cấp cho bên mua: Điện, nước, viễn thông, truyền hình, hàng không, dịch vụ tư vấn kế toán, kiểm toán, thuế và dịch vụ tư vấn thiết kế.
- Đối với hoạt động xây lắp: Bên bán xuất hóa đơn khi công trình hoặc hạng mục công trình hoàn thành nghiệm thu hoặc xuất hóa đơn khi thu tiền theo tiến độ hoàn thành.
Thứ hai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hóa đơn GTGT mà bên bán thu được tiền bán hàng hóa, dịch vụ và công trình XDCB mới lập hóa đơn GTGT gửi cho bên mua.
Bên bán lập hóa đơn chậm ngày trong tháng bị phạt từ 4 đến 8 triệu đồng, bên mua có nguy cơ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào vì hóa đơn sai chỉ tiêu ngày tháng. Nếu chậm ngày khác tháng thì hóa đơn do bên bán xuất là sai, bên bán bị phạt 48 triệu đồng, sai thuế GTGT trong tháng hoặc quý, bên mua không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đó. Còn nếu chậm ngày khác tháng và năm tài chính thì hóa đơn đó là hóa đơn bất hợp pháp, bên bán bị phạt 20 triệu đồng và bên mua bị loại hóa đơn, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Thứ ba, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài.
Bên mua không được khấu trừ thuế GTGT đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài vì thuế GTGT đầu ra của hàng hóa, dịch vụ đó được nộp ở nước ngoài. Còn trong trường hợp DN nhập khẩu hàng hữu hình, có kê khai hải quan đầy đủ thì được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với thuế GTGT của hàng nhập khẩu theo chứng từ của cơ quan hải quan.
Thứ tư, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn GTGT của hàng hóa, dịch vụ khuyến mại, cho biếu tặng, hàng mua về để phục vụ hoạt động phúc lợi.
- Đối với hàng khuyến mại DN nhận được: Nếu hàng khuyến mại bên bán lập hóa đơn GTGT có thuế GTGT thực hiện sai Luật Thương mại hoặc bên bán lập hóa đơn GTGT có thuế GTGT thực hiện đúng Luật Thương mại (không tính thuế) thì bên mua không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Đối với hàng biếu tặng, DN nhận được có thuế GTGT: DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Đối với hàng mua về để phục vụ hoạt động phúc lợi trong DN: DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Đối với các khoản chi từ quỹ phúc lợi của DN nếu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh: DN được khấu trừ thuế GTGT tương ứng vì phục vụ sản phẩm đầu ra chịu thuế GTGT, còn nếu không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trừ các tài sản cố định phục vụ hoạt động phúc lợi (theo điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC).
Thứ năm, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ xuất tiêu dùng nội bộ.
DN xuất sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng nội bộ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho sản phẩm đầu ra chịu thuế hoặc không chịu thuế hoặc DN xuất tiêu dùng nội bộ không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thì theo khoản 7 điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, DN sẽ không phải xuất hóa đơn mà dùng phiếu xuất kho. Khi đó, DN không được khấu trừ đối với thuế GTGT đầu vào này.
Thứ sáu, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn GTGT thanh toán không dùng tiền mặt.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt được quy định cụ thể tại khoản 10 điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC. Theo đó, đối với việc bên mua thanh toán qua ngân hàng, cụ thể:
- Nếu thanh toán bằng Séc: Bên mua không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào vì ở nước ta sử dụng Séc thường là cho mục đích lĩnh tiền mặt.
- Nếu Thanh toán bằng ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi: Bên mua được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, song người mua cần chú ý tài khoản của bên thụ hưởng cần được đăng ký với cơ quan thuế.
- Đối với việc bên mua thanh toán bằng sim điện thoại, ví điện tử: Bên mua không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào vì pháp luật thuế tại nước ta chưa đề cập đến luật chuyên ngành.
- Đối với việc bên mua thanh toán bù trừ: Bên mua cần hoàn thiện bộ chứng từ thanh toán bao gồm biên bản thanh toán bù trừ của hai bên, hợp đồng bù trừ... khi đó bên mua được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Đối với việc bên mua thanh toán qua bên thứ 3 là tổ chức (DN): Bên mua được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng được các điều kiện như: Có hợp đồng kinh tế ghi rõ bên thứ 3 là bên C, có biên bản bù trừ của ba bên, bên C phải có địa chỉ, mã số thuế chính xác, có xác nhận về tài khoản thụ hưởng mở tại ngân hàng được đăng ký với cơ quan thuế.
- Đối với việc bên mua thanh toán qua bên thứ 3 là cá nhân: Bên mua được khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi có đủ các bằng chứng: Có hợp đồng kinh tế ghi rõ bên thứ 3 là bên C, có biên bản bù trừ của ba bên, bên C phải có địa chỉ, mã số thuế chính xác, có xác nhận về tài khoản thụ hưởng mở tại ngân hàng được đăng ký với cơ quan thuế, bên C chứng minh được đăng hoạt động theo pháp luật bao gồm: Độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, có khả năng nhận biết tốt (không bệnh tật, không bị cấm hoặc hạn chế khả năng...) và có tham gia quan hệ pháp luật.
Thứ bảy, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hóa đơn GTGT mà bên mua thanh toán sai hạn (sai tháng, sai năm tài chính) và hóa đơn sai (bất hợp lệ, bất hợp pháp) năm sau mới phát hiện ra.
- Đối với các hóa đơn GTGT mà bên mua mắc sai sót thanh toán sai hạn (sai tháng) vẫn trong năm tài chính, nếu bên mua thanh toán chậm hơn so với quy định trong hợp đồng kinh tế thì bên mua được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Nếu hóa đơn GTGT có nhầm lẫn đối với hình thức thanh toán thì hóa đơn GTGT đó không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (loại thuế GTGT ngay tại thời điểm thanh toán).
- Đối với các hóa đơn GTGT mà bên mua mắc sai sót thanh toán sai hạn (sai năm tài chính), thì bên mua không được khấu trừ thuế thuế GTGT đầu vào trong cả trường hợp thời gian thanh toán sai (thanh toán chậm hơn so với quy định trong Hợp đồng kinh tế) cũng như hình thức thanh toán sai, bên mua còn bị xuất toán chi phí tương ứng tại năm thanh toán sai.
- Đối với hóa đơn GTGT bị sai (bất hợp lệ, bất hợp pháp) nhưng năm sau mới phát hiện ra, thì bên mua tiến hành khai bổ sung (giảm thuế GTGT đầu vào) ở năm có hóa đơn sai (năm trước). Còn nếu bên mua không khai bổ sung (giảm thuế GTGT đầu vào) ở năm phát hiện sai (năm sau), thì bên mua không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT;
2. Một số thông tư của Bộ Tài chính: TT156/2013/TT-BTC; TT219/2013/TT-BTC; TT119/2014/TT-BTC; TT151/2014/TT-BTC; TT26/2015/TT-BTC.