Triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân
(Tài chính) Sau 7 tháng lùi thời hạn thu phí để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 197/2012/TT-BTC quy định cụ thể mức phí cũng như cách thức thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện ô tô, xe máy. Trong quá trình soạn thảo Thông tư, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành, địa phương liên quan, tiếp thu các ý kiến đóng góp theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Thu phí để đáp ứng nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ
Đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và mở rộng giao lưu quốc tế. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, vốn đầu tư cho việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường bộ ngày càng tăng nên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đường bộ vẫn cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân và bảo đảm an toàn của người tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong những năm qua, nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ do ngân sách nhà nước cấp mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 40% nhu cầu đối với hệ thống quốc lộ và khoảng 20-30% nhu cầu đối với hệ thống đường bộ địa phương.
Do thiếu vốn nên trong quá trình quản lý, bảo trì đường bộ mới chỉ tập trung giải quyết một số công việc cấp bách mà không làm đầy đủ được những công việc của công tác bảo dưỡng thường xuyên, không sửa chữa các cấp theo đúng kỳ hạn. Mặt khác, do lưu lượng xe gia tăng nhanh đã dẫn đến tình trạng cầu, đường bộ xuống cấp nghiêm trọng, nếu không có giải pháp quản lý, bảo trì hữu hiệu thì sự xuống cấp của hệ thống đường bộ sẽ tiếp tục gia tăng và thiệt hại là rất lớn.
Từ thực trạng này, có thể khẳng định việc hình thành Quỹ Bảo trì đường bộ để huy động các nguồn tài chính có liên quan đến sử dụng đường bộ cùng với nguồn ngân sách nhà nước sẽ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Đây là việc làm hết sức cần thiết, là đòi hỏi khách quan và bảo đảm sự công bằng trong xã hội, vì việc sử dụng đường bộ cũng được coi như sử dụng các dịch vụ công cộng khác. Người sử dụng đường bộ cần phải trả tiền để nhận được dịch vụ ngày càng tốt hơn
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu công tác quản lý, bảo trì đường bộ không được chú trọng đúng mức sẽ dẫn đến tổn thất tài sản quốc gia. Theo khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế, nếu chi 1 đồng cho công tác bảo trì để bảo đảm cầu đường luôn tốt, an toàn sẽ tiết kiệm được 3 đồng trong hoạt động khai thác vận tải do tiết kiệm nhiên liệu, giảm hao mòn xe và nâng cao năng suất phương tiện, giảm thời gian đi lại; hoặc ngược lại, nếu chi thiếu 1 đồng cho công tác bảo trì đường bộ sẽ phải chi 4 đồng cho công tác phục hồi, xây dựng lại công trình.
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2008 khi xây dựng Luật Giao thông đường bộ, trên thế giới có 55 quốc gia quy định về việc thu phí bảo trì đường bộ từ người sử dụng.
Triển khai theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân
Ngày 13/11/2008, Quốc hội đã ban hành Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12. Trong đó, quy định thành lập Quỹ bảo trì đường bộ để thực hiện bảo dưỡng và sửa chữa đường bộ, Quỹ được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm và các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ. Triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ, trong đó, có quy định về thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, thay thế phương thức thu phí qua các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước hiện hành.
Như đã phân tích ở trên, việc ban hành quy định thu phí sử dụng đường bộ là điều cần thiết, đúng đắn, nhất là khi Chính phủ đang thực hiện kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công, ưu tiên nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, quan trọng. Trong bối cảnh nhu cầu cải thiện hạ tầng giao thông của nước ta ngày càng lớn, thì việc cộng đồng xã hội "chung tay, góp sức" để cải thiện hệ thống giao thông quốc gia là điều không nên bàn cãi.
Nghị định số 18/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2012, tuy nhiên, do kinh tế-xã hội nước ta năm 2012 có nhiều khó khăn nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho lùi thời gian thu phí 07 tháng và bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2013.
Triển khai thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (Giao thông Vận tải) đã đề xuất phương án thu phí. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Trong quá trình soạn thảo Thông tư, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành, địa phương liên quan.
Do phạm vi tác động và đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự thảo Thông tư khá rộng (khoảng 35 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô), Bộ Tài chính đã có công văn số 12410/BTC-CST ngày 14/9/2012 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề cơ bản của dự thảo Thông tư. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 8453/VPCP ngày 24/10/2012, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Thông tư và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...
Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến tham gia của 58/80 cơ quan, tổ chức. Trong đó, hầu hết ý kiến tham gia đều thống nhất với sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư (có 15 cơ quan, tổ chức thống nhất hoàn toàn). Đối với một số cơ quan, tổ chức có ý kiến khác thì ý kiến chỉ tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Về mức thu; về miễn, giảm phí; về quản lý và sử dụng số tiền phí thu được.
Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số đơn vị liên quan để thống nhất về việc tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Thông tư. Theo đó, các ý kiến tham gia đã được nghiên cứu và tiếp thu nghiêm túc như:
- Điều chỉnh giảm mức thu phí đối với xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc xuống bằng 60% mức thu đối với xe tải cùng trọng tải (dự thảo Thông tư gửi xin ý kiến quy định mức phí tương ứng bằng 70% mức thu đối với xe tải có cùng trọng tải);
- Bổ sung quy định không thu phí đối với xe máy điện;
- Bổ sung quy định miễn thu phí đối với xe mô tô của các hộ nghèo...
Về quản lý và sử dụng số tiền phí thu được: Để bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số tiền phí thu được, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải ban hành riêng 01 Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, số tiền phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện tuy nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ nhưng cũng được quản lý, sử dụng chặt chẽ như đối với khoản thu ngân sách nhà nước.
Việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện là bước chuyển đổi quan trọng về phương thức thu phí sử dụng đường bộ, để thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải với Thủ tướng Chính phủ khi xây dựng Nghị định 18/2012/NĐ-CP, khi thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện sẽ bãi bỏ thu phí qua các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước; đối với các trạm chuyển quyền thu phí, trạm thu phí BOT sẽ giữ thu đến khi hoàn vốn đầu tư sẽ xoá bỏ.