Triển vọng phát triển thị trường vốn từ kênh trái phiếu
Trước những đòi hỏi ngày càng lớn về nhu cầu vốn của thị trường, bên cạnh kênh huy động quen thuộc là ngân hàng, thị trường chứng khoán, thì kênh trái phiếu cũng là một “mảnh đất màu mỡ” của dòng vốn.
Đặt ra mục tiêu hỗ trợ các nhà đầu tư (NĐT) và các chủ thể liên quan dễ tiếp cận, nắm bắt được các thông tin trên thị trường, Bộ Tài chính đã xây dựng “Báo cáo thường niên thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2018”. Đây là báo cáo đầu tiên của thị trường trái phiếu Việt Nam được xuất bản bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.
Thăng hoa trái phiếu chính phủ
Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt chính thức đi vào hoạt động tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ ngày 24/9/2009. Sau 10 năm hoạt động, thị trường đang có sự phát triển cả về quy mô và tính thanh khoản, đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy tính đến hết tháng 11/2019, quy mô thị trường TPCP bằng 25,1% GDP năm 2019, gấp 12 lần so với năm 2009. Khối lượng giao dịch bình quân trong 11 tháng năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 24 lần so với năm 2009, bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua, là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.
Trong giai đoạn 2009- 2019, kênh phát hành TPCP đã huy động được 1,96 triệu tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, bình quân đạt khoảng 175.000 tỷ đồng/năm.
Kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đã được kéo dài qua từng năm, đạt 13,6 năm vào cuối tháng 11/2019, cao hơn 9-10 năm so với giai đoạn 2009-2014, trong khi lãi suất phát hành bình quân ở mức 4,58%/năm.
Đáng chú ý, TPCP đã thu hút được nhiều NĐT mới bên cạnh các ngân hàng thương mại như các loại hình quỹ đầu tư, NĐT nước ngoài, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm, thậm chí có sự xuất hiện của NĐT 100% vốn nước ngoài.
Đến cuối tháng 11/2019, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các NĐT dài hạn đạt 55% (tăng 35% so với cuối năm 2009), của các ngân hàng thương mại giảm xuống mức khoảng 45% (giảm 35% so với cuối năm 2009).
Đồng thời, TPCP đã trở thành công cụ hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ thông qua nghiệp vụ thị trường mở, hoạt động tái cấp vốn.
|
Bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp
Có thể nói, năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã bước vào thời kỳ “bùng nổ” bất chấp nhiều cảnh báo rủi ro liên tiếp được đưa ra.
Theo báo cáo về thị trường TPDN trong 11 tháng năm 2019 của SSI Retail Research, tổng lượng TPDN thực tế phát hành 11 tháng đầu năm đã đạt khoảng 237.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), cao hơn 5,8% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018.
Trong đó, các ngân hàng thương mại phát hành 94.000 tỷ đồng, chiếm 45,5% toàn thị trường; các doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 71.312 tỷ đồng, chiếm 34,5%.
Chỉ tính riêng trong tháng 11, có 24.199 tỷ đồng TPDN được phát hành, đưa tổng lượng phát hành 11 tháng đầu năm là 206.680 tỷ đồng, bao gồm cả phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.
Kỳ hạn và lãi suất bình quân toàn thị trường là 3,71 năm và 8,7%/năm. Trong đó, nhóm có kỳ hạn dài nhất là nhóm phát triển hạ tầng (5,14 năm); nhóm bất động sản có lãi suất bình quân 10,24%, cao hơn hẳn các nhóm ngân hàng, định chế tài chính, phát triển hạ tầng; các nhóm doanh nghiệp khác có lãi suất bình quân 10,49% do có sự hỗ trợ của lô phát hành 1.402 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm, lãi suất 20%/năm của CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng.
Trong tháng 11, NĐT nước ngoài mua 100 tỷ đồng trái phiếu 12 tháng của Chứng khoán KIS Việt Nam và 456,7 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 4 năm của CTCP Nhựa Đồng Nai.
Tổng lượng mua sơ cấp của NĐT nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2019 là gần 14.000 tỷ đồng, chiếm gần 7% khối lượng phát hành.
Đáng chú ý, theo dự báo của các chuyên gia, năm 2020 sẽ là năm mà thị trường trái phiếu lên ngôi trước những động thái siết tín dụng trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước. Không chỉ mang tới cơ hội cho các doanh nghiệp phát hành thêm trái phiếu, dòng vốn mới còn mang tới động lực để thị trường hoàn thiện chính mình.
Trước đó, Chính phủ cũng có chủ trương ưu tiên phát triển thị trường TPDN để từng bước giảm áp lực vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, phát triển cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng.
Nhìn chung, thị trường trái phiếu (bao gồm cả TPCP và TPDN) vẫn luôn là kênh đầu tư tốt cho các NĐT trong nhiều năm qua và hiện vẫn mang đến cơ hội, đặc biệt là TPDN.
Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển là nhu cầu xây dựng một nền tảng các NĐT lớn hơn, đòi hỏi nhiều hơn sự chuẩn hóa trong thủ tục, cần thiết lập một cơ quan xếp hạng tín nhiệm và cải thiện tính minh bạch.