Trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng do ảnh hưởng Covid-19?

Theo Thu Trang - Hoàng Lan/congthuong.vn

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động, nhất là lao động ở ngành dịch vụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng trong thời gian tới do các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí và nhân sự để duy trì hoạt động.

Người lao động đến làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp dự kiến sẽ tăng cao vào khoảng tháng tháng 4 và tháng 5
Người lao động đến làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp dự kiến sẽ tăng cao vào khoảng tháng tháng 4 và tháng 5

Tác động trực tiếp tới người lao động

Ngay từ sáng sớm, lượng người đến tìm kiếm việc làm mới và giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian mất việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã rất đông. Chị Kim Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang chờ tới lượt để làm thủ tục đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho biết: “Tôi làm nhân viên tại một khách sạn ở Hà Nội được gần 6 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà khách sạn của tôi buộc phải cắt giảm nhân sự. Vì vậy, mặc dù biết thời điểm này nên hạn chế đến những nơi đông người nhưng tôi vẫn phải đến trung tâm dịch vụ việc làm để chờ được giải quyết chế độ BHTN”.

"BHTN có thể không được nhiều nhưng sẽ hỗ trợ một phần sinh hoạt trong thời gian tìm kiếm công việc mới", chị Kim Anh chia sẻ.

Cũng mới vừa nghỉ việc tại công ty du lịch tư nhân cách đây không lâu, đến làm khai báo hưởng chế độ BHTN trong thời gian chờ tìm việc với đúng chuyên ngành đã tốt nghiệp, anh Hoàng Minh (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tết xong, công việc không nhiều, giờ lại nghỉ dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi đành xin nghỉ việc để có thời gian đi tìm việc làm mới đúng mong muốn của bản thân, nhưng vẫn chưa tìm được việc làm ưng ý. Tôi cũng dự đoán trước là sẽ khó tìm được việc làm nhanh chóng nên thời gian này tôi đã đến trung tâm để khai báo BHTN trong thời gian chờ phản hồi từ các doanh nghiệp”.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, thị trường lao động việc làm của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến nhu cầu lao động và tuyển dụng việc làm. Một số ngành dịch vụ lưu trú, khách sạn, nhà hàng, du lịch, vận tải… cũng bị ảnh hưởng dẫn đến người lao động tại một số doanh nghiệp bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp hoạt động kinh doanh sản xuất.

Hàng nghìn lao động thất nghiệp

Thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2020, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận gần 7.000 trường hợp đến làm thủ tục hưởng BHTN, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm 2019. 15 điểm sàn giao dịch của trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng cung - cầu trong tuyển dụng lao động xuống đến mức rất thấp. Trao đổi với phóng viên báo Công Thương về vấn đề này, ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng: “Sự gia tăng về các trường hợp đến trung tâm làm thủ tục hưởng chế độ BHTN vẫn chưa hẳn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì từ khi thực hiện chính sách BHTN đến nay, số người tham gia bảo hiểm vẫn tăng đều hằng năm nên số người thụ hưởng BHTN tăng tương ứng. Dẫn chứng là năm 2019 số người tham gia BHTN tăng 10% so với năm 2018”.

Ông Thảo cũng cho biết thêm, số lượng người lao động đăng ký hưởng BHTN trong tháng 2/2020 có hơn 4.000 trường hợp, trong đó có hơn 200 lao động thất nghiệp vì doanh nghiệp phá sản, giải thể, cắt giảm sản xuất, tái cơ cấu ở hơn 80 doanh nghiệp. Cũng có đến 70% trường hợp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng. Do đó, trước mắt, chưa thể khẳng định gia tăng số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, người lao động đến làm thủ tục BHTN sẽ tăng cao vào khoảng tháng tháng 4 và tháng 5. Vì theo quy định của pháp luật, người lao động có khoảng thời gian 3 tháng đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Lý giải về điều này, giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Nguyên nhân do sau nghỉ Tết, người lao động đã tích luỹ kỹ năng, chuyên môn nên chuyển đổi công việc tốt hơn. Mặt khác, nguồn nguyên liệu sản xuất thiếu hụt do dịch Covid-19, kéo theo nhiều doanh nghiệp thu hẹp kinh doanh, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng. Do vậy mà dự báo, thời gian tới tuỳ thuộc vào mức độ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số người đến làm thụ hưởng BHTN này sẽ còn tăng đột biến.