Tỷ lệ an toàn vốn và bài toán sống còn của ngân hàng
Duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao là một trong những ưu tiên hàng đầu của các tổ chức tín dụng (TCTD) để đảm bảo hoạt động kinh doanh được an toàn.
Ngân hàng lo giữ van an toàn
Theo số liệu mới nhất của NHNN về tình hình hoạt động của các TCTD đến hết tháng 5/2016, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống ở mức 12,68%, cao hơn nhiều so với quy định của NHNN là 9%. Trong đó có khá nhiều ngân hàng hệ số CAR còn cao hơn tỷ lệ chung của cả hệ thống.
Như theo báo cáo kinh doanh 6 tháng của Techcombank, CAR của ngân hàng này đạt 14,3% vào cuối tháng 6/2016. Hay tại VIB, tỷ lệ CAR của ngân hàng thậm chí luôn ở mức 17-19%, một tỷ lệ rất cao so với các NH trong hệ thống…
Duy trì tỷ lệ CAR cao là một trong những ưu tiên hàng đầu của các TCTD để đảm bảo hoạt động kinh doanh được an toàn. Tính cấp thiết của vấn đề này cao hơn khi tới đây các ngân hàng sẽ phải thực hiện áp dụng Basel II với những quy định khắt khe hơn, có thể khiến CAR của các ngân hàng giảm.
Do đó, những ngân hàng có hệ số CAR ở quanh mức 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2 để cải thiện hệ số này. Nhất là đối với những ngân hàng chưa được chọn thực hiện thí điểm Basel II mà tỷ lệ CAR vẫn ở mức 9 – 10% thì phải nhanh chóng tìm cách để nâng hệ số này lên nếu không muốn hoạt động ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro. Vì CAR là trụ cột quan trọng nhất trong các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.
Mặc dù hệ số CAR của ngân hàng đang ở mức 13%, nhưng Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng tỏ ra khá thận trọng khi cho biết ngân hàng vẫn phải tìm cách để nâng hệ số CAR lên một chút nữa. “Nếu thời điểm này thì không vấn đề gì, nhưng muốn tăng dư nợ tín dụng, tăng tổng tài sản,… rõ ràng ngân hàng phải phòng bị vốn để vẫn giữ được hệ số CAR”, ông Tùng nói về kế hoạch của OCB.
Sự thận trọng của ngân hàng được chuyên gia ngân hàng đánh giá là cần thiết khi cho rằng hệ số CAR các ngân hàng Việt Nam cần phải được tính toán, theo dõi một cách chặt chẽ. Vì không loại trừ trong tài sản ngân hàng tiềm ẩn những tài sản “độc hại” như nợ xấu.
Chưa kể, không phải báo cáo tài chính của các ngân hàng nào cũng chuẩn mực, đáng tin cậy. Tài sản của các ngân hàng cần được đánh giá rà soát lại một cách chính xác để loại trừ ra những tài sản xấu, không sinh lời và nhất là những khoản phải thu ngân hàng còn chứa đựng nhiều rủi ro như lãi dự thu... Lúc đó mới có thể có hệ số CAR chính xác được.
Ngân hàng nâng CAR bằng cách nào?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu các ngân hàng cũng không nên duy trì hệ số CAR ở mức cao quá vì nó cho thấy họ sử dụng vốn chủ sở hữu không hiệu quả.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, hệ số CAR càng cao thì hiệu quả vốn ngân hàng càng thấp. Nên ngân hàng chỉ giữ ở mức độ cao vừa phải so với quy định của NHNN có thể dao động từ 11-13% vừa đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn vừa kinh doanh hiệu quả.
Để duy trì hoặc nâng hệ số CAR, có một số biện pháp phổ biến như đưa hệ số rủi ro thấp qua việc tính toán tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho trung dài hạn ở mức hợp lý, hay kiểm soát danh mục đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro…
Thứ hai là có cơ sở vốn tốt hơn thông qua việc tăng cả vốn cấp 1 và 2. Như tại OCB, ngân hàng này có kế hoạch tăng cả vốn cấp 1 là vốn điều lệ và vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu. Nhưng ông Tùng cho biết, ngân hàng tăng vốn mức độ hợp lý chứ không tăng nhiều quá để tránh lãng phí vốn.
Cũng như OCB, năm nay SCB thực hiện tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR của ngân hàng ở mức an toàn. Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, hiện hệ số CAR trên 10%. Nhưng nếu áp dụng quy định theo Thông tư 06, thì tỷ lệ này sẽ giảm xuống.
Vì thế, năm nay ngân hàng cũng tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng lên con số 16.500 tỷ đồng. Theo đó, giúp ngân hàng duy trì hệ số CAR ở mức 9,5 – 10% vào năm 2017 và những năm tiếp theo.
Cách tăng vốn điều lệ được coi là nhanh nhất để giúp các ngân hàng nâng hệ số CAR, tuy nhiên đối với nhiều ngân hàng việc tăng vốn điều lệ trong năm nay sẽ không được thuận lợi.
Thời điểm này, một số vụ án liên quan đến ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi có ý định đầu tư cổ phiếu ngân hàng. Vì thế cũng ảnh hưởng ít nhiều đến giá của cổ phiếu. Phương án kêu gọi cổ đông bỏ thêm tiền đầu tư cũng không hề dễ dàng. Bởi, những cổ đông đã không được nhận cổ tức từ ngân hàng đầu tư trong nhiều năm liền cũng không mặn mà bỏ vốn thêm vào đầu tư.
Theo các chuyên gia ngân hàng, thời điểm này biện pháp tăng vốn khả thi nhất là giữ lại lợi nhuận. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có được kết quả lợi nhuận khả quan.
Theo những bản báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm được các ngân hàng công bố thì chỉ có một vài ngân hàng lợi nhuận tăng khá như Techcombank, VietinBank… còn lại lợi nhuận nhiều ngân hàng còn khá khiêm tốn.
Dù khó, nhưng ông Tùng cho rằng các ngân hàng vẫn phải xoay xở để đảm bảo hoạt động ngân hàng ổn định, an toàn. OCB kêu gọi các cổ đông hiện tại nhất là cổ đông lớn có cam kết cao với ngân hàng đầu tư thêm. Và ngân hàng sẽ thuyết phục cổ đông giữ lợi nhuận hàng năm để thực hiện tăng vốn.
Ngoài việc tăng vốn điều lệ để duy trì hệ số CAR, thì theo TS. Nguyễn Trí Hiếu việc vốn chủ sở hữu cũng rất quan trọng và được coi là gối đệm cho ngân hàng. Vì rất nhiều hoạt động tín dụng dựa vào vốn chủ sở hữu, chẳng hạn như cho vay một khách hàng không quá 15% vốn chủ sở hữu. Và rất nhiều hoạt động ngân hàng dựa trên cơ sở vốn chủ sở hữu.
Nếu ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu cao sẽ có gối đệm dày để có thể chống đỡ, giảm thiểu thiệt hại khi thị trường có biến động. Và ngược lại ngân hàng nào có vốn mỏng tác động mạnh đến hoạt động. “Vì thế hệ số CAR, vốn chủ sở hữu đều là xương sống của một ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.