Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành tại các trường đại học
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo tại các trường đại học là yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng các cơ sở đại học phát triển trong bối cảnh mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành tại các trường đại học được xem như một phương tiện hữu ích và hiệu quả, nhằm tăng cường nội lực, tính chủ động của các đơn vị, góp phần hiện đại hóa giáo dục - đào tạo.
Yêu cầu từ thực tiễn
Trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ gắn liền với việc ứng dụng các thành tựu như: Kết nối vạn vật, Thực tế ảo, Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo… công tác quản lý điều hành của ngành Giáo dục - Đào tạo nói chung và các cơ sở đào tạo đại học nói riêng trở nên toàn diện, khoa học, minh bạch hơn. Việc ứng dụng tiến bộ mới về công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động đào tạo và quản lý đào tạo tại các trường đại học cho phép bao quát được toàn bộ hoạt động của trường một cách kịp thời, chính xác; giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm bắt đầy đủ, chi tiết, chính xác mọi thông tin cần thiết trong bất kỳ thời điểm nào với đối tượng được quản lý; tiết kiệm thời gian, nhân lực và vật lực, đồng thời giảm thiểu những phiền hà, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo…
Trong những năm qua, ngành Giáo dục – Đào tạo đã tích cực triển khai, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, bước đầu đã xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục và đào tạo phục vụ thông tin quản lý giáo dục. Trong đó, thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa, hợp tác với các doanh nghiệp lớn triển khai ứng dụng CNTT, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), qua đó Viettel hỗ trợ ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng hạ tầng kết nối Internet trường học, xây dựng kho học liệu số dùng chung toàn Ngành, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo và triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Đến nay, toàn Ngành đã triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến, sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử... Trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, vai trò của CNTT đã thể hiện ngày một rõ nét với việc triển khai các giải pháp về lớp học điện tử, lớp học thông minh, xây dựng kho học liệu số, thư viện điện tử, sách giáo khoa điện tử, kho bài giảng e-learning dùng chung… Bên cạnh đó, với chiến lược phát triển lấy sinh viên làm trọng tâm, hiện nay một số trường đại học đã xây dựng chính sách đầu tư để phát triển các trung tâm thông tin tư liệu chuyên nghiên cứu và phát triển chương trình ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác quản lý, đặc biệt là giảng dạy, thực hành cho sinh viên, đồng thời thực hiện các hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ phần mềm…
Theo các chuyên gia giáo dục, để đáp ứng được nhu cầu đổi mới và phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng như hiện nay thì nhu cầu ứng dụng CNTT là một xu thế tất yếu. Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý điều hành tại các trường đại học nói chung và tại các khoa, viện, trung tâm của trường nói riêng được xem như một phương tiện hữu ích và hiệu quả, nhằm tăng cường nội lực, tính chủ động của các đơn vị, góp phần hiện đại hóa giáo dục - đào tạo.
Với sự tiến bộ của công nghệ, chương trình phục vụ hoạt động quản lý đào tạo có thể xây dựng thành những sản phẩm phần mềm đóng gói, cài đặt trên từng máy tính riêng lẻ hoặc được thiết kế, xây dựng theo mô hình quản lý dữ liệu phân tán có sự phân cấp. Với mô hình này, dữ liệu về quản lý sẽ được xử lý trên máy chủ nhằm thông tin công tác quản lý sinh viện một cách công khai, minh bạch, cụ thể, được chia sẻ trên mạng nội bộ của trường học.
Công tác kế hoạch, chiêu sinh, mở lớp, thi cử... được cập nhật từ bất kỳ một máy tính nào đã được kết nối trong hệ thống mạng trường học hoặc được khai thác từ các trường trực thuộc. Việc quản lý, đánh giá kết quả học tập của người học trong một số môn học có thể được thực hiện thông qua các chương trình ứng dụng CNTT dễ thiết kế và xây dựng phù hợp với yêu cầu thực tiễn…
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, vẫn còn những hạn chế trong ứng dụng CNTT vào công tác quản lý đào tạo khiến cho việc đánh giá, tổng kết chưa được tiến hành một cách đồng bộ, thường xuyên, kịp thời. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT chỉ thực sự có hiệu quả khi cơ sở vật chất hạ tầng của các đơn vị giáo dục đào tạo cũng được quan tâm phát triển song hành cùng chiến lược phát triển nguồn nhân lực và sự hỗ trợ của cơ chế, chính sách cũng như các quy định cho ứng dụng CNTT.
Trong thời gian qua, việc Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lývà hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm trong việc tăng cường ứng dụng CNTT với mục tiêu tăng cường ứng dụng CNTT nhằm đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và các địa phương; đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học và công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, tại các cơ sở giáo dục đại học, việc triển khai các kế hoạch đầu tư, thu hút các nguồn đầu tư tài trợ từ xã hội hóa gặp không ít khó khăn trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn chế…
Một số đề xuất, kiến nghị
Theo mục tiêu đề ra trong Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, đến năm 2020, trong công tác quản lý, điều hành, phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục và đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến; 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp (blended learning); 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4. Trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý, đến năm 2020, đối với các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm, hình thành cổng thông tin thư viện điện tử toàn ngành liên thông, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo; áp dụng phương thức học tập kết hợp; phát triển một số mô hình đào tạo trực tuyến.
Đề án này đặt ra mục tiêu mức độ ứng dụng CNTT trong quản lývà hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2025. Đồng thời, CNTT phải trở thành động lực đổi mới quản lý, nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá trong giáo dục và đào tạo.
Để đạt được những mục tiêu của Chính phủ đề ra và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo, góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hỗ trợ cho công tác quản lý điều hành trở nên toàn diện hơn, khoa học hơn, minh bạch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần triển khai một số nhiệm vụ sau:
Về phía cơ quan quản lý
- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo đó, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, ý nghĩa của ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý giáo dục - đào tạo, dạy - học, nghiên cứu khoa học. Cần xác định rõ rằng, muốn thành công và có hướng đi đúng đắn về ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo, thì các đơn vị cần có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo về các thành tựu mà CNTT mang lại.
- Triển khai, đưa vào sử dụng hệ thống CNTT theo hướng hiện đại, thiết thực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT ở các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục và đào tạo; chú trọng hệ thống CNTT cho các phòng thí nghiệm ở các cơ sở giáo dục đại học; ưu tiên lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án, dự án hiện có, thuê dịch vụ CNTT và xã hội hóa. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT toàn ngành Giáo dục và đào tạo; ưu tiên triển khai theo hình thức thuê dịch vụ CNTT…
Về phía các cơ sở đào tạo đại học
- Thường xuyên cập nhật kho học liệu số dùng chung phục vụ việc giảng dạy; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cổng thư viện số (giáo trình, bài giảng, học liệu số) liên thông, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo đại học nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo trong giáo dục đại học. Triển khai hệ thống học tập trực tuyến tại các cơ sở đào tạo đại học; lựa chọn, sử dụng các bài giảng trực tuyến của nước ngoài phù hợp với điều kiện trong nước…
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học. Trong tương lai, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ thực tế ảo trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ là xu hướng nổi bật. Xu thế này đặt ra yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá cũng như đòi hỏi đội ngũ chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại với sự ứng dụng mạnh mẽ CNTT.
- Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Để thực hiện tốt hơn việc ứng dụng CNTT, trong trường đại học cần nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ, quản lý, giáo viên, nhân viên bởi nhân lực ứng dụng CNTT có vai trò quyết định thành công ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo, hiệu quả đầu tư. Cụ thể, tăng cường quản lý, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên trực tuyến, trên môi trường mạng, thường xuyên cập nhật nội dung các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT. Tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực CNTT chuyên trách chất lượng cao.
- Thu hút các nguồn lực tài chính phục vụcho công tác ứng dụng CNTT tại các trường đại học. Theo đó, ngoài các nguồn hỗ trợcủa Nhà nước theo quy định, cần khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tăng cường sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan để thực hiện nhiệm vụ.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy - học, nghiên cứu khoa học.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”;
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Kế hoạch số 345/KH-BGDĐT thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”;
3. Lương Trọng Thành, Tạ Văn Hưng (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra với các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Tạp chí Lý luận chính trị số 9/2017;
4. Phan Văn Thanh (2017), Mức độ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý điều hành cấp khoa-viện tại các trường đại học của Việt Nam: Tiêu chí và phương pháp đánh giá, Tạp chí Công Thương tháng 8/2019.