Ưu tiên thanh tra doanh nghiệp có số chậm đóng bảo hiểm xã hội lớn
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương ưu tiên thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) các đơn vị có số lao động nhiều, số tiền chậm đóng lớn hoặc nguy cơ chậm đóng cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.
Yêu cầu thu hồi về Quỹ hàng chục tỷ đồng
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH luôn được quan tâm, chú trọng. Hằng năm, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các văn bản liên quan đến công tác quản lý thu, thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính; việc thực hiện các biện pháp sau khi thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật như xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành đối với các quyết định xử phạt...
Nhờ quyết liệt triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp thu, thanh tra, kiểm tra (TTKT) kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, tỷ lệ số tiền chậm đóng so với số phải thu giảm dần qua các năm. Cụ thể, tỷ lệ số tiền chậm đóng giảm từ 3,75% (năm 2016) xuống còn 2,91% số phải thu (năm 2022).
Trong năm 2023, tính đến hết ngày 15/11/2023, toàn Ngành đã thực hiện TTKT tại 18.707 đơn vị, trong đó, TTKT theo kế hoạch tại 15.593 đơn vị (đạt 95,89% so với kế hoạch giao), TTKT đột xuất tại 3.114 đơn vị.
Đặc biệt, qua công tác TTKT, ngành BHXH đã phát hiện nhiều vi phạm và yêu cầu truy thu, thu hồi về Quỹ BHXH, BHYT, BHTN hàng chục tỷ đồng. Chỉ tính trong năm 2023 (tính đến ngày 15/11), qua thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đóng về BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam đã yêu cầu truy thu tiền đóng của 5.491 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia với số tiền là 34,2 tỷ đồng; 8.384 lao động đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 48,5 tỷ đồng; 30.984 lao động đóng thiếu mức đóng quy định với số tiền phải truy đóng là 49,9 tỷ đồng.
Tổng số tiền các đơn vị được TTKT chậm đóng trước khi có Quyết định TTKT là 1.504,1 tỷ đồng; số tiền chậm đóng các đơn vị được TTKT đã nộp trong thời gian TTKT trực tiếp là 909,8 tỷ đồng (đạt 60,5% số tiền chậm đóng các đơn vị phải nộp).
Đồng thời, cơ quan BHXH các cấp đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 1.333 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHTN, BHYT với tổng số tiền xử phạt là 43,9 tỷ đồng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã nộp ngân sách nhà nước là 16,9 tỷ đồng (đạt 38,5% số tiền xử phạt phải nộp ngân sách nhà nước).
Bên cạnh đó, qua kiểm tra công tác chi trả, thanh quyết toán các chế độ BHXH, BHTN, BHYT cơ quan BHXH đã yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH 13,3 tỷ đồng do hưởng chế độ BHXH không đúng quy định; thu hồi về Quỹ BHTN 61,1 triệu đồng do hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định; thu hồi về Quỹ BHYT số tiền 65,1 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT không đúng quy định.
Đẩy mạnh thanh tra theo phương thức điện tử
Để đạt được những kết quả trên, cơ quan BHXH đã tích cực đổi mới phương thức TTKT theo hướng kết hợp giữa thanh tra truyền thống với thanh tra theo phương thức điện tử. Với lợi thế có hệ thống dữ liệu lớn được xây dựng và thường xuyên hoàn thiện, bổ sung các bộ tiêu chí nhận diện rủi ro, ngành BHXH đã xác định trọng tâm, trọng điểm thông qua việc sàng lọc, nhận diện dấu hiệu cảnh báo, chọn mẫu từ dữ liệu có sẵn để tiến hành TTKT với phạm vi rộng, TTKT theo phương thức điện tử. Nhờ đó, công tác TTKT đã rút ngắn thời gian, kinh phí, nhân lực, giảm thời gian làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến hoạtđộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong hoạt động TTKT. Trong năm 2023, Ngành đã phối hợp, tham gia các đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.
Đồng thời, triển khai trong toàn Ngành kế hoạch thanh tra chuyên ngành (TTCN), kiểm tra và TTKT liên ngành; chú trọng TTCN đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở khám, chữa bệnh có tỷ lệ chi khám, chữ bệnh BHYT cao so với dự toán, gia tăng chi phí bất hợp lý.
Đặc biệt, toàn Ngành chủ động rà soát, phân tích dữ liệu trên các phần mềm nghiệp vụ, dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác TTKT; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với pháp luật về đóng BHXH, BHTN. BHYT…
“Các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tích cực trong công phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi tiền chậm đóng; đồng thời, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ sử dụng lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động” - đại diện Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) chia sẻ.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính, BHXH Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu BHXH các địa phương tổ chức thực hiện TTCN theo quy định và tuân thủ đúng quy trình, quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, ưu tiên thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT các đơn vị có số lao động nhiều, số tiền chậm đóng lớn hoặc nguy cơ chậm đóng cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.
Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính về đối tượng, phương thức, mức đóng BHXH, BHTN, BHYT phải xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm, kịp thời. Riêng đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời ra quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức cưỡng chế thi hành theo thẩm quyền.
Đồng thời, trong quá trình thanh tra chuyên ngành, trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Điều 216 Bộ Luật Hình sự, BHXH các địa phương cần kịp thời lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố theo quy định.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 15/11/2023, cơ quan BHXH đã ban hành hơn 4.252 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT, BHTN, với số tiền xử phạt là 217,9 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2018 (khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực) đến tháng 10/2023, cơ quan BHXH đã lập, gửi 378 hồ sơ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện điều tra, khởi tố hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.